THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:14

Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội

 

Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, cùng đại diện lãnh đạo gần 100 cơ quan báo chí, đơn vị quản lý báo chí.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội” được tổ chức trong thời điểm này đặc biệt có ý nghĩa nhằm lấy ý kiến góp ý, của các nhà báo, các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, các cấp hội cơ sở về Hướng dẫn thực hiện điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

 

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm

 

Mạng xã hội đã và đang thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt báo điện tử) đã sử dụng mạng xã hội và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Đồng thời, các phóng viên-nhà báo sử dụng mạng xã hội (facebook, twitter. Instargram…) để chia sẻ thông tin lẫn nhau và là nguồn cung cấp tin, bài cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng người đọc. “Trên thực tế thời gian qua, trên mạng xã hội đã tồn tại vô vàn những thông tin không được kiểm soát, được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng trong đó có các nhà báo. Những thông tin như vậy đã gây hệ lụy không nhỏ với sự ổn định trong xã hội. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác như thế nào, cụ thể là gì trong điều kiện hiện nay?”- ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, sau một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên – nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên- nhà báo khi tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn. Đặc biệt, khi Luật An ninh mạng vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ IV,Quốc hội Khóa XIV với tỷ lệ 86,86 % đại biểu tán thành và đã chính thức đi vào cuộc sống. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội đối với vai trò hết sức quan trọng của mạng xã hội trong đời sống xã hội nói chung và đời sống báo chí nói riêng, đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc nêu rõ: Nội dung của Điều 5 trong Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam yêu cầu:“Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Điều kiện xã hội và công nghệ cho hoạt động báo chí có những thuận lợi căn bản, song cũng xuất hiện những thử thách lớn về tác nghiệp cũng như quản lý, đặc biệt tốc độ phát triển cực nhanh của mạng xã hội cũng như các loại hình truyền thông không chính thức khác. Nhà báo, hội viên không chỉ là người khai thác tư liệu viết báo, mà còn trực tiếp tham gia vào việc phát hành tác phẩm báo chí thông qua các loại hình báo chí được phép và cả những loại hình báo chí đang phát triển trên không gian mạng.

 

Toàn cảnh tọa đàm Nhà báo và Mạng xã hội

 

Nhận thấy tầm quan trọng cũng như tính phức tạp của vấn đề, trước hết nhằm xây dựng, bổ sung nội dung cụ thể của Điều 5, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam thấy cần thiết phải có những quy ước cụ thể đối với hoạt động tác nghiệp của hội viên, phóng viên để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động báo chí. Vừa tạo điều kiện để nhà báo, hội viên nâng cao trình độ qua khai thác mạng xã hội, nắm bắt thông tin và các tiện ích qua mạng xã hội. Nhưng mặt khác cũng cần phải có những  quy định phù hợp nhằm quản lý thông tin cũng như hoạt động của hội viên, nhà báo trên mạng xã hội. Bởi lẽ nhà báo, hội viên trước hết có nghĩa vụ công dân, đồng thời là cán bộ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước.

Phát biểu tham luận, ông Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo Điện Biên đánh giá cao những mặt tích cực của mạng xã hội, tuy nhiên đội ngũ nhà báo hầu như đều tham gia mạng xã hội và cần phải xác định rõ trách nhiệm của người làm báo trước các thông tin này. Nhiều nhà báo chưa thực sự có trách nhiệm, nhiều thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng đã đưa lên báo, viết giật gân, lấp lửng... “Tôi cho rằng nhà báo khi sử dụng thông tin trên mạng xã hội phải phù hợp với tôn chỉ mục đích, sự phát triển của xã hội và đạo đức trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo. Việc xây dựng Bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam  là rất quan trọng, cố gắng nêu ngắn gọn, không trùng Luật Báo chí và các quy định báo chí khác”. Đông quan điểm trên, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, cần khuyến khích các nhà báo dùng ngòi bút trên mạng xã hội một cách khéo léo, linh hoạt, bình luận một cách có trách nhiệm, có văn hóa trên mạng xã hội. Đặc biệt cẩn trọng, không có những thông tin gây kích động, lôi kéo người dân… 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến về vấn đề khi tham gia mạng xã hội, nhà báo – hội viên cần tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng và thông tin điện tử trên mạng internet; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu. Hội viên, phóng viên phải coi mạng xã hội là phương tiện cung cấp thông tin, sự kiện để từ đó khai thác, thực hiện, tiếp tục điều tra, thâm nhập thực tế, sản xuất các tác phẩm báo chí có tính định hướng. Bên cạnh đó, việc đăng tải các tin, bài, ảnh phải giữ nguyên nội dung và trích dẫn nguồn thông tin theo đúng các quy định về bản quyền và các quy định có liên quan. Đồng thời, các hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội nên tránh các hành vi dẫn đến vi phạm Luật báo chí, các quan điểmcủa Đảng, chính sách của Nhà nước hoặc truyền bá các thông tin sai sự thật, vi phạm các quyền và lợi ích của tập thể, cá nhân… Đặc biệt, gần 100 ý kiến đóng góp tại tọa đàm với những điều rất cụ thể, tập trung vào việc động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nhà báo, hội viên tích cực tham gia mạng xã hội, khai thác thông tin, phát hiện sự kiện để góp phần vừa nâng cao trình độ nghiệp vụ, vừa bảo đảm tuyên truyền có định hướng của người làm báo chính thống. Mặt khác nhà báo, hội viên cũng cần phải tránh những điều cấm trong các bộ luật, những điều cần tránh để không vi phạm.  

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh