THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:58

Trà Vinh: Nông dân Khmer đổi đời từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

 

Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua Trà Vinh đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm.Trà Vinh luôn xác định phát triển nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, với gần 185.000 ha đất nông nghiệp (chiếm 79% đất tự nhiên của tỉnh). Nhưng, trong khoảng 97.000 ha đất trồng lúa, thì có hơn 10.000 ha đất giồng cát trồng lúa kém hiệu quả, do khó khăn về nguồn nước tưới trong mùa khô. Phần đất giồng cát này tập trung khá nhiều ở những vùng đồng bào Khmer đã và đang canh tác. Nhận thức rõ đều này, để khai thác tiềm năng đất có hiệu quả, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền vận động đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng màu như bắp, đậu phộng, rau, cây, hoa kiểng và nuôi thủy sản…

 Nhờ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, thu nhập cao những năm qua đồng bào Khmer ở ấp Giồng Tranh, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã đổi đời 

Để các chương trình, chính sách, dự án được hiện thực hóa, trong 5 năm qua từ nguồn kinh phí của Trung ương 1.000 tỷ đồng và nguồn huy động trong cộng đồng 107 tỷ đồng, tỉnh đã hỗ trợ đồng bào từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Theo đó, đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả 176 mô hình, dự án phát triển sản xuất như hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng cho hơn 4.300 hộ nghèo có vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, dê, heo, gà, vịt…) và trồng màu. Đồng thời đã hỗ trợ 86 tỷ đồng cho hơn 7.000 hộ có đất ở, chuộc lại đất canh tác và học nghề, chuyển đổi nghề…Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Trà Vinh về việc phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011 – 2015, đã tạo động lực giúp nông nghiệp trong vùng đồng bào Khmer phát triển nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình đưa cây màu (bắp, đậu phộng, các loại rau…) xuống chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả.

 Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều hộ nông dân Khmer đã thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhanh chóng thoát nghèo và làm giàu.

Đạt được những kết quả trên chính là nhờ công tác khuyến nông, khuyến ngư được tăng cường đến tận cơ cở; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng có năng suất, chất lượng cao, có giá trị hàng hóa. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng Khmer ở Trà Vinh giảm nhanh, hộ khá và giàu gia tăng đáng kể. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẻ tiếp tục chuyển đổi thêm 12.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả (trong đó đặc biệt quan tâm vùng đồng bào Khmer), sang trồng các loại cây màu và nuôi thủy sản nước ngọt. Với định hướng này trong phát triển nông nghiệp chắc chắn vùng đồng bào Khmer Trà Vinh sẽ có nhiều cơ hội vươn lên để thoát nghèo và làm giàu trên chính những mảnh ruộng của mình từng canh tác bao đời nay./.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh