Trà Vinh: Dạy nghề thiết thực cho lao động nông thôn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:36 - 28/07/2016
Theo báo cáo của Sở LĐ –TB & XH tỉnh Trà Vinh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 616 000 người trong độ tuổi lao động, trong đó vùng nông thôn chiếm đa số, với 481 000 người. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, thực hiện Quyết định số 1956/2009/QĐ – TTg ngày 27/11/2009 (QĐ 1956) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, ngày 16/7/2010, Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ thị: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng bộ, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn và phát triển đồng bộ nguồn nhân lực giữa các khu vực, vùng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhận thức rõ chỉ thị của Tỉnh ủy, những năm qua tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo QĐ 1956 với nhiều ngành nghề thiết thực, phù hợp với nông thôn địa phương và nhu cầu của thị trường lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh hiện nay. Đó là các nhóm nghề như: Đan đát, chăn nuôi thú y, trồng trọt, lắp đặt sửa chữa điện dân dụng, may công nghiệp, may giầy da, may túi xách, kế toán doanh nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, phục vụ phòng lễ tân, quản lý bếp chế biến món ăn, sửa chữa máy vi tính, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, lái xe ô tô, dược tá…
Nghề đan đát vừa dễ học, dễ làm nên thu hút đông đảo phụ nữ nhiều lứa tuổi ở nông thôn theo học để tự tạo việc làm tại gia với thu nhập ổn định
Được biết cho tới cuối năm 2015, tỉnh Trà Vinh đã dành gần 14,3 tỷ đ để hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề và tuyển dụng hơn 10 ngàn lao động. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cơ sở vật chất, kinh phí để chuyển hướng sang đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm lao động sau khi học nghề đáp ứng được yêu cầu công việc được tuyển dụng. Đối với doanh nghiệp có yêu cầu tự đào tạo nghề cho lao động ở địa phương, sẽ được các ngành chức năng tỉnh hỗ trợ về cơ sở, thủ tục hoạt động hoạt động dạy nghề và quản lý giáo vụ. Đây là một cách làm rất thiết thực và phù hợp với thực tế của địa phương, được các doanh nghiệp ủng hộ. Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đảm bảo phục vụ được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày nay.
Sau khi tham gia lớp học chăn nuôi thú y nhiều học viên lao động nông thôn đã được hỗ trợ vay vốn để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập
Nhờ đó những năn qua, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở địa phương được khôi phục hồi sinh, duy trì và phát triển, nhiều ngành nghề mới được du nhập phổ biến và nhân rộng, thu hút giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động (trong đó có rất nhiều lao động nữ, lao động là đồng bào dân tộc Khmer). Có thể nói, những năm gần đây công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trà Vinh đã thực sự từng bước được cải thiện và đi vào chiều sâu, giúp cho khoảng 70% người lao động sau học nghề có việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, phát triển đời sống xã hội và xây dựng nông thôn mới./.