THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:35

Trà Vinh: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thiết thực, hiệu quả

 

Theo báo cáo của Sở LĐ - TB & XH tỉnh Trà Vinh, trong những năm qua toàn tỉnh có hàng chục xã với hàng trăm hộ nghèo tham gia DA, tổng kinh phí thực hiện hàng tỷ đồng. Được biết theo quy định của DA tại Trà Vinh, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ từ 6  đến 8 triệu đồng, để triển khai thực hiện nhiều mô hình: Nuôi bò, vịt, heo, cá và trồng màu, nấm rơm với thời gian hỗ trợ là 3 năm. Hoàn cảnh của các hộ nghèo trước khi tham gia thực hiện DA đa số là thiếu vốn sản xuất, chưa có công ăn việc làm ổn định, thiếu kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi…Nhưng từ khi tham gia vào DA, được hỗ trợ vốn thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi của mình các hộ này đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản là mô hình giảm nghèo thiết thực, hiệu quả đã và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương tỉnh Trà Vinh

Qua thực tế thực hiện từ 2009 đến nay cho thấy, tính thiết thực và hiệu quả của DA là đã tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, đồng thời nhận thức được rằng muốn thoát nghèo bền vững phải tự lực cố gắng vươn lên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Kết quả cho thấy, từ khi triển khai thực hiện DA các hộ tham gia đã có lợi nhuận (hộ có lợi nhuận thấp nhất cũng đạt 5 triệu đồng) và có nhiều hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo mới. Trong những mô hình đầu tư cho hộ nghèo của xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang như: Trồng màu, chăn nuôi vịt, nuôi cá có gần 80% hộ thoát nghèo. Đến nay, những con số kể trên đã tăng lên đáng kể và một số mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả cũng đang được nhân rộng thêm tại địa phương.

 Chăn nuôi vịt là một mô hình phù hợp với nhiểu hộ nghèo thiếu đất canh tác cũng đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho những hộ tham gia dự án  

Điểm nổi bật của DA từ nguồn vốn của Sở LĐ – TB & XH tỉnh đầu tư là đối tượng thụ hưởng đề xuất những phương án sản xuất, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Các phương án sản xuất ấy được cán bộ khoa học, lãnh đạo địa phương hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giám sát tư vấn nhằm giảm thiểu rủi ro. Tại xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, sau khi lựa chọn loại hình tham gia thực hiện DA, xã tiếp tục đem ra bình nghị và chọn ra những hộ nghèo của xã tham gia thực hiện DA. Các hộ tham gia thực hiện DA được hỗ trợ vốn mua cây, con giống và đều chí thú làm ăn, nên đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao đào, trong ruộng lúa cũng là một trong những mô hình đang phát huy hiệu quả

Gia đình ông Thạch Hương (dân tộc Khmer) ở ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang là một ví dụ điển hình. Trước đây, tuy có 2 công đất sản xuất, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên gia đình ông luôn sống trong cảnh nghèo túng. Sau khi nhận được 6 triệu đồng từ DA, gia đình ông ngoài 2 công đất đã có còn mướn thêm 2 công đất của người dân địa phương để đầu tư trồng đậu que. Ngay trong vụ đầu tiên tuy còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nhưng đến lúc thu hoạch, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông vẫn có lãi 13 triệu đồng. Đến nay, từ thu nhập qua những vụ hoa màu, gia đình ông đã có tích lũy đáng kể, ngoài việc sửa chữa nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt, còn tậu thêm được 5 công đất để mở rộng sản xuất.

Trồng rau màu là một trong những mô hình đã và đang giúp cho nhiều hộ nông dân đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững 

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở LĐ – TB & XH tỉnh, với chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn không tính lãi trong 3 năm, bình quân mỗi hộ tham gia DA được đầu tư từ 4,8 đến 6,8 triệu đồng để chăn nuôi, trồng màu tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Qua thực tế triển khi thực hiện DA từ năm nay, nhìn chung đã thấy mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Trong thời gian tới các địa phương nên tiếp tục quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Đồng thời tỉnh sẽ đề xuất với Trung ương nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng DA, mở rộng thêm loại hình thực hiện. Sau khi DA kết thúc thì nguồn vốn thu về sẽ được tiếp tục tái đầu tư cho địa phương, để địa phương có nguồn tiếp tục hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo bền vững../.                                                                                                                                           

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh