Trà Vinh: Nhiều dự án thiết thực giúp đồng bào Khmer thoát nghèo
- Dược liệu
- 16:23 - 21/05/2017
Ở Trà Vinh, những hộ đồng bào Khmer vì nghèo túng, bệnh tật phải cầm cố đất đai để trang trải là một thực trạng đã diễn ra trong một thời gian khá dài .
Chính vì cầm cố đất đai, nên nhiều hộ thiếu hoặc không có đất sản xuất, chủ yếu đi làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày.
Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân đẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tăng cao.
Trước thực trạng ấy, từ năm 2002 tỉnh Trà Vinh đã thí điểm chọn lựa một số hộ nghèo vùng đồng bào Khmer để triển khai thực hiện Dự án “Cho nông dân Khmer vay vốn chuộc lại đất cầm cố”.
Dự án được triển khai hiệu quả, thực sự là cơ hội vàng cho số phận những hộ nông dân Khmer nghèo chuộc lại đất sản xuất, chấm dứt những ngày đi làm thuê để vươn lên thoát nghèo theo hướng bền vững. Gia đình bà Thạch Thị Mạnh ở ấp Ba Sát, xã Đôn Châu, huyện Trà Cú là một ví dụ điển hình.
Được biết, gia đình bà Mạnh có 10 nhân khẩu và có 0,6 ha đất canh tác lúa, nhưng do bà bị ốm đau bệnh tật không có tiền thuốc men, nên đã cầm cố hết.
Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, số tiền cầm cố đất đai cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng, rồi bà phải đi làm thuê kiếm tiền độ nhật, đã nghèo lại càng nghèo túng thêm.
Nhờ được tỉnh hỗ trợ 3 tr đ để chuộc lại 0,3 ha đất canh tác luân canh lúa + hoa màu mà từ đó gia đình bà dần dần vươn lên thoát nghèo. Ngoài Đề án kể trên, tỉnh Trà Vinh còn nhiều chương trình lồng ghép đã kịp thời hỗ trợ đầu tư về sản xuất, trợ giá, trợ cước, giống cây trồng, vật nuôi, điện thắp sáng, nước sinh hoạt.
Riêng huyện Trà Cú, từ năm 2008 đến nay đã đầu tư cho hàng trăm lượt hộ đồng bào Khmer vay ưu đãi hàng tỷ đ từ nhiều nguồn vốn khác nhau để phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Được hỗ trợ đất sản xuất, nhiều hộ Khmer đã thực hiện mô hình trồng màu, thu nhập ổn định nhanh chóng vươn lên thoát nghèo
Đặc biệt trên địa bàn toàn tỉnh, đã hỗ trợ về nhà ở cho hàng chục ngàn hộ và chuộc lại đất sản xuất cho hàng ngàn hộ Khmer nghèo.
Song song với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer của Đảng và Nhà nước, các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đã lồng ghép thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân vùng đồng bào Khmer.
Trong đó, mô hình đa canh tổng hợp như: Trồng cây ăn trái, dưa leo, bắp, cà tím, đậu bắp, đậu phộng, mè, vừng, các loại rau màu, ớt chỉ thiên, hoa lài, nuôi tôm đã giúp cho đồng bào Khmer ở nhiều địa phương trong tỉnh tăng nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Từ nhiều năm qua, gia đình ông Kim Dương dân tộc Khmer ở ấp Sơn Lang, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang chỉ tập trung đầu tư vào mô hình đa canh tổng hợp, trên diện tích 1,5 ha đất canh tác, nhưng mỗi năm có thu nhập trên 100 tr đ.
Theo đánh giá của các ngành chức năng của tỉnh thì điều kiện thổ những, thời tiết khí hậu, nguồn nước tưới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer hiện nay rất thích hợp với mô hình đa canh tổng hợp kể trên.
Chính vì thế chuyển đổi một phần đất trồng lúa kém hiệu quả, sang thực hiện mô hình đa canh tổng hợp đang trở thành một hướng đi mới trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị kinh tế và phát triển bền vững, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer, vói bình quân mỗi năm giảm 4%. *