THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:45

Trả lại màu xanh cho đất

“Thần chết” rình rập  

Anh Đào Văn Đạo, ở khu phố 1 (phường 4, TP. Đông Hà, Quảng Trị) có thâm niên hơn 20 năm làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh cho rằng,  cái nghề anh đang làm “thần chết” có thể hỏi thăm bất cứ lúc nào. Anh Đạo nói: “Cũng vì hoàn cảnh nghèo khó”.

Để có tiền lo cho cuộc sống hàng ngày, anh Đạo chấp nhận đặt cược mạng sống của mình cho cái nghề rủi nhiều hơn may này. Năm 1998, trong một lần rà tìm phế liệu chiến tranh ở chân đồi Chết (thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), anh Đạo cuốc phải một quả bom bi ổ. Quả bom phát nổ đã lấy đi một con mắt bên trái, một ngón tay của anh và để lại trên cơ thể chằng chịt những vết sẹo. Thậm chí, có những mảnh vỡ của quả bom bi đến giờ vẫn nằm lại trong cơ thể anh. Tính mạng bị đe dọa là vậy, nhưng vì cơm áo gạo tiền, nghề rà tìm phế liệu chiến tranh vẫn cứ đeo bám anh  cho đến tận bây giờ.

Hoạt động rà phá bom mìn của dự án RENEW tại Quảng Trị.   Ảnh: Tổ chức Renew

Anh Đạo không phải là trường hợp duy nhất ở Quảng Trị phải liều mình mưu sinh dưới lưới hái tử thần. Và, cũng chẳng riêng gì những người làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị mới đối mặt với hiểm nguy mỗi ngày. Theo số liệu thống kê, từ sau giải phóng đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 8.515 nạn nhân bom mìn, trong đó có đến 31% là trẻ em, 3.421 người thiệt mạng. Phần lớn các vụ tai nạn bom mìn xảy ra tại địa phương là do người dân gặp phải bom mìn trong lúc lao động sản xuất, đào đất xây dựng nhà cửa,...nhưng nhiều nhất vẫn là những người đi rà tìm và buôn bán vật liệu chiến tranh còn sót lại.

Dưỡng xanh cùng các dự án

Hậu quả chiến tranh để lại cho đất và người dân Quảng Trị rất nặng nề và dai dẳng. Mà nào đã hết ! Theo tính toán, sẽ còn rất, rất lâu nữa trên mảnh đất đau thương này mới sạch hoàn toàn bom mìn.

Nhưng, cũng chính từ trong hiểm nguy và gian khó, với sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và người dân, cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nhiều nơi từng là vùng “đất chết” đã thực sự hồi sinh.

Lên lập nghiệp ở khu tái định xóm Rú, thôn Trúc Lâm (xã Gio Quang, huyện Gio Linh) từ năm 2003 và là một trong những hộ đầu tiên đến ở đây. Đến nay gia đình anh Hải đã có cuộc sống ổn định. “Khi trước còn ở với bố mẹ, đất đai ít, nhà lại đông con nên gia đình tôi vô cùng khó khăn trong việc định cư cũng như sinh kế. Tuy nhiên, khi có chủ trương của Nhà nước, vợ chồng tôi được về ở tại khu tái định cư xóm Rú, thì nhiều việc đã được giải quyết. Hiện vợ chồng tôi không còn phải lo ăn từng bữa, các con cũng được đến trường”, vun luống sắn mới trồng, anh Hải vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi.

Gia đình anh Hải là một trong số 78 hộ dân ở khu tái định cư xóm Rú, sau khi nơi này được dự án MAG Quảng Trị làm sạch bom mìn và bàn giao mặt bằng an toàn, chính quyền địa phương thành lập khu tái định cư. Trước đây, xóm Rú là căn cứ C1 - Quán Ngang của quân đội Mỹ - ngụy.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã thiết lập khu quân sự tại Trúc Lâm để bảo vệ Chi khu quân sự Gio Linh. Người dân ở đây bị dồn đi nơi khác. Hòa bình lập lại, người dân xóm Rú muốn trở về làng cũ sinh sống, nhưng nguyện vọng của họ thời điểm ấy chưa được giải quyết. Nguyên nhân là vì hàng năm tại đây tai nạn bom mìn thường xuyên xảy ra. Theo thống kê, từ năm 1973 đến năm 2000, số vụ tai nạn xảy ra tại Đồi C1, xóm Rú là 57 vụ, làm chết 29 người, bị thương 45 người, ngoài ra gần trăm con trâu, bò bị chết do vướng vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.

Màu xanh đã trở lại tại vùng “đất chết” xóm Rú.

Trước thời điểm được làm sạch bom mìn, xóm Rú là vùng đất bỏ hoang. Đến năm 1999, tổ chức MAG tại Quảng Trị đã tiến hành rà phá bom mìn và trả lại 135 ha đất sạch. Tuy vậy, đến khi tiếp nhận bàn giao mặt bằng xóm Rú, huyện Gio Linh vẫn chưa thể bố trí dân về tái định cư, do nơi đây chưa được quy hoạch, cơ sở vật chất chưa có. Vì vậy mà năm 2000, dự án tổng thể về tái định cư xóm Rú được xây dựng, đến 2003 thì 78 hộ gia đình với 382 nhân khẩu được chuyển về ở tại xóm Rú. Thời điểm đó, chính quyền địa phương hướng đến xây dựng xóm Rú thành mô hình nông thôn mới, cơ sở hạ tầng (hệ thống giao thông, điện, nước, công trình phúc lợi,…) được xây dựng để người dân xóm Rú yên tâm tái định cư.

Cũng như xóm Rú, người dân xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) từng chứng kiến biết bao đau thương từ hậu quả của vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Tính riêng thôn Tân Hiệp đã có hơn 20 người chết và bị thương do tai nạn bom mìn trong khi làm ruộng hoặc tìm kiếm phế liệu. Trước kia, trung bình một năm tại xã Cam Tuyền xảy ra 2-3 vụ tai nạn bom mìn, người chết đã thiệt thân, những người còn sống cũng bị tàn tật, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 Trước tình hình đó, các tổ chức quốc tế đã đến và hỗ trợ địa phương, một trong những nơi được hưởng lợi từ dự án là người dân thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền).  Chỉ tính từ năm 2008 đến 2014, tại thôn Tân Hiệp, các đội xử lý bom mìn lưu động đã tiếp xúc 284 quả bom mìn do người dân phát hiện và báo cáo, phá hủy an toàn 142 quả bom chùm và 954 vật liệu nổ khác. Đặc biệt, tháng 10/2013, đã có 2,5 triệu m2 đất không còn bom chùm và nguy cơ có vật liệu nổ khác thấp được trả lại cho thôn Tân Hiệp để người dân sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp. Hiện nay người dân có thể yên tâm sản xuất mà không còn lo lắng. Những màu xanh tít tắp trải dài trên những cánh đồng xa thẳm đã chứng minh cho sự hồi sinh trên “vùng đất chết” năm xưa.

Xóm Rú, Tân Hiệp chỉ là một trong nhiều khu tái định cư sau khi vùng đất nơi đây quy hoạch, được các tổ chức quốc tế giúp đỡ làm sạch bom mìn. Các thôn, làng như Tân Định (huyện Triệu Phong), Phường Cội (huyện Cam Lộ), Hải Thái (huyện Gio Linh), Hải Lâm (huyện Hải Lăng),... là những khu tái định cư đã hồi sinh như thế. 

Được biết, trung bình mỗi năm tỉnh Quảng Trị  được các tổ chức quốc tế viện trợ từ 50-70 triệu USD. Ngoài ra, Chính phủ cũng chi gần 20 tỉ đồng và 1 triệu USD cho công tác rà phá bom mìn. Và cuộc hồi sinh từ những vùng “đất chết” ở tỉnh Quảng Trị vẫn đang tiếp tục được triển khai, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng,  Nhà nước, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các ngành liên quan.     

THẢO VI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh