CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:45

Quảng Nam: Những người khai hoang vùng đất “chết”

Lão nông kéo họ hàng cùng làm…

Năm 2014, người nông dân chỉ suốt ngày quanh quẩn với ruộng đồng bắt đầu nghĩ đến việc làm những “cánh đồng xanh”. Một mình ông Lê Tấn Sơn đội nắng lên tận vùng đất thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, nơi gần núi. Ông tự khai khẩn vùng đất hoang, lập một vườn rau màu gần 1 ha trồng đủ khổ qua, bí đỏ, dưa leo. Ông Sơn nói rằng, vùng đất ấy trước kia dân chỉ thả bò chăn, không ai trồng bất cứ cây nào vì họ cho rằng đất rất xấu, sợ cây không phát triển. Nhưng với đôi tay của một “lão nông”, chỉ sau một vụ đông, ông thu về gần 300 triệu/vụ. Cùng làm với ông là 4 hộ gia đình gồm những người thân trong gia đình. Ông nói: “Những người cùng chí hướng cùng làm cùng ăn, huống hồ, chúng tôi là ruột thịt với nhau”. Những trái khổ qua đầu tiên bán với giá 16.000 đồng/kg, dưa leo giá 17.000 đồng/kg, mỗi mẫu khổ qua, ông thu về 15 tấn cùng với bí và dưa leo.

Giàn khổ qua xanh màu nhóm hộ ông Sơn, lão nông "đa tài".ảnh:H.T

Từ sau vụ đông hiệu quả, ông quyết định xuống núi. Ông bắt đầu đi xem đất. Một vùng đất gần sông Kôn chảy ngang qua, ông gật gù rồi như nghĩ rằng nên làm cho người dân trong làng có thể học làm theo. Cái gật đầu ngẫm của ông khiến cho nhiều người lo lắng. Ông chỉ tay phía con sông, kể: “Đất ở đây là đất bồi cát, bỏ hoang. Từ năm 2009, khi cơn lũ lịch sử dâng đã bồi lấp một lượng cát, người dân bỏ đất đi tìm vùng khác, đến nay trở thành đất hoang”. Cảnh tượng năm 2009 như hiện ra trước mắt những người dân xã Đại Hưng, nơi vùng thấp trũng, cái nơm nớp lo sợ, đỉnh lũ dâng cao đến 1,5 mét nước, sức nước chống với sức người. Đến nay, con sông hiền hòa đến “lạ”, nó nhỏ bé và không sâu lắm. Nó như dung hòa với người dân bằng sự dịu dàng, giờ nó trở thành nơi cung cấp nước cho những đồng ruộng của dân làng.

Chọn 2ha đất, ông cùng 8 hộ gia đình là những người thân yêu cùng nhau khai phá vùng đất. Nơi ấy, 15 sào khổ qua, 5 sào dưa leo, 1ha bí đỏ được ông Sơn gieo, lập giàn trồng….Ngày đêm thức cùng màu xanh của cây. Chưa bao giờ ông cảm thấy lo lắng cho từng cành lá cho đến ra trái như vậy.

Ông Trần Quang Hải, nhóm hộ tham gia, cho biết: “Cảm thấy lo lắng bởi trồng rau quả trên đất cát, lại là những hộ thử nghiệm đầu tiên. Cứ mỗi tấn phân chuồng được mang ra cùng thuốc xử lý nấm độc hại cho cây…Chúng tôi cứ thế tiến hành”.

Để cải tạo vùng đất này, ông Sơn dùng phân chuồng rải đều, tưới nước nhiều hơn. Mỗi sào khổ qua có gần 800 gốc, mỗi gốc cho ra khoảng 2kg quả. Hàng cách hàng 3 mét, dây cách dây khoảng 40cm. Ông đếm từng ngày, cứ 20 ngày cây leo hàng, cao cách mặt đất 3m.

Những phu nữ thu hoạch khổ qua, dưa leo.ảnh:H.T

Cuối cùng, những trái khổ qua đầu tiên xuất bán, rồi những trái dưa leo xanh len lỏi mặt đất. Gương mặt những hộ dân vui vẻ hẳn. Ông Sơn nhẩm, cứ 4.000 đồng/kg khổ qua và cũng cho là mặt bằng giá cho các loại quả còn lại, mỗi ngày thu khoảng 600kg, bán ra được 2,4 triệu/ngày, thu hết chu kỳ khoảng 45 ngày mỗi vụ được trên 90 triệu. “Khổ qua được trồng 3 vụ/năm, như vậy, mỗi năm cả hộ thu về gần 300 triệu. Chưa kể bí đỏ và dưa leo”-ông Sơn cười.

Đặc biệt, khu trồng 2ha của ông bao giờ cũng để trống, ông bảo, để cho người dân có thể vào hái ăn tùy ý, bà con thấy hiệu quả rồi học theo. “Ăn bao nhiêu cứ hái, có hái cũng không hết đâu”, ông Sơn vui mừng.

Cả làng cùng làm…

Từ những thành công đó, nhiều hộ dân ở các thôn cùng nhau khai hoang đất, phủ xanh vùng trắng. Ông Trần Tấn Tịnh, Phó chủ tịch xã Đại Hưng, nhẩm tính: “Thôn Trung Đạo cải tạo đất có 8 hộ, thôn Thái Sơn có 10 hộ, thôn Trúc Hà có gần 20 hộ…” Nhớ lại, năm 2007, xã đem đấu đất, nhưng chẳng người dân nào chịu nhận làm, rồi cả khi thủy lợi hóa đất màu, dân vẫn mặc đất…Thế rồi, vùng rau quả màu xanh của ông Sơn đã “đánh thức” cả xã Đại Hưng, người ta bắt đầu học hỏi, vác cuốc ra cày xới…

Từ ông Sơn, cả làng làm theo phủ xanh đất cát.ảnh:H.T

Ông Đỗ Ngọc Khanh, hiện có 1ha đất cải tạo, ông cũng trồng bí đao, dưa leo và khổ qua, mỗi năm lãi ròng trung bình khoảng 120 triệu/năm. Ông Nguyễn Hạc, 55 tuổi, ông cải tạo 3.500m2 đất, cũng trồng bí, khổ qua,…Ông chia sẻ: “Trước kia, nhà tôi trồng quýt cũng bấp bênh quá, rồi chuyển qua trồng chuối nhưng lại hay sinh bệnh trên cây. Sau này, tôi thử trồng bí, khổ qua…Đất được cải tạo lại, hiệu quả trồng lại càng cao”. Trung bình mỗi năm ông Hạc thu về 136 triệu. Những đứa con của ông đã đi làm và cuộc sống bắt đầu ổn định.

Phó chủ tịch xã Đại Hưng ông Tịnh, khẳng định: “Màu xanh đã phủ trên vùng đất cát tưởng như đã chờ bỏ hoang. Một màu sắc mới, rất xanh của Đại Hưng. Mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng”.

Bước chân khỏi vùng hoa màu xanh phủ, người dân nơi đây có thể mơ về một ngày con sông uốn quanh qua những nẻo đường xanh lá bởi màu khổ qua, dưa leo. Những ngôi nhà mái đỏ dưới màu xanh trở nên đẹp lạ.

HUYỀN TRANG/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh