TPHCM: Sẽ hỗ trợ học phí cho học sinh lớp 1 ngoài công lập
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:00 - 24/08/2020
Theo đó, phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM chủ trì, tham mưu UBND TPHCM phương án, kế hoạch hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học khối ngoài công lập, căn cứ theo Luật Giáo dục và dựa trên nguồn lực thực tế của TP, xem xét cụ thể đối tượng, hình thức và định mức hỗ trợ phù hợp. Với những gia đình phụ huynh có điều kiện, địa phương vận động, khuyến khích cho con học ở các trường tư thục.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay toàn TP có 18/24 quận, huyện đảm bảo được cùng lúc 2 nhiệm vụ nói trên, tuy nhiên còn 6 quận, huyện gặp khó khăn gồm quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Giải pháp trước mắt đối với những địa phương này là giảm số lớp học 2 buổi/ngày đối với các khối 2, 3, 4, 5; song về lâu dài các quận, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ xây trường, đảm bảo tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân, Báo SGGP đưa tin.
Bên cạnh đó, hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM đang nghiên cứu, tham mưu UBND TP đề án hỗ trợ học phí cho đối tượng học sinh tiểu học ngoài công lập để trình HĐND TP xem xét.
Tại buổi họp, các đại biểu tham dự đã tìm ra các giải pháp gỡ khó cho một số quận, huyện trên địa bàn còn gặp khó khăn trong việc triển khai dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Báo Giáo dục Việt Nam đưa tin, năm học sắp tới, thành phố dự kiến tăng hơn 54.600 học sinh các cấp, nhiều nhất vẫn là bậc trung học cơ sở với gần 28.000 học sinh, tập trung ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Củ Chi và quận 9, 12.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, năm học 2020-2021, quận 12 có 8.120 học sinh vào lớp 1, nếu duy trì sĩ số 50 học sinh/lớp thì địa phương sẽ có 65,5% học sinh được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 815 trẻ chưa được phân tuyến vào lớp 1 do thời gian tạm trú ít hơn 1 năm và 669 trường hợp mới đến chưa đăng ký tạm trú.
Trước mắt, để giải quyết chỗ học cho học sinh, địa phương này vận dụng hết mức các phương án như: giảm số lớp bán trú (đối với các khối 2, 3, 4, 5), đẩy mạnh các dự án xây trường để chăm lo, tạo điều kiện để tất cả trẻ trên địa bàn đều được đến trường.
Tuy nhiên, lãnh đạo quận 12 cũng cho biết, trung bình mỗi năm địa phương tăng thêm khoảng 22.000 dân. Ban đầu, theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, các trường tiểu học duy trì sĩ số 45 học sinh/lớp nhưng hiện nay đã phải tăng lên 50 học sinh/lớp để giải quyết nhu cầu về chỗ học cho người dân. Sau khi rà soát, thống kê, giải pháp này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên sắp tới sẽ phải tính đến giải pháp giảm số lớp học 2 buổi/ngày.
Tại quận Tân Phú, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú bày tỏ, toàn quận hiện chỉ có 30% học sinh được học 2 buổi/ngày với 193 lớp. Trong khi đó, chỉ tính riêng năm học 2020-2021 đã có 7.097 học sinh sẽ vào lớp 1, quy mô 169 lớp. Như vậy, phải xóa hết các lớp bán trú ở các khối 2, 3, 4, 5 mới giải quyết được dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 theo chương trình mới, nhưng các năm tiếp theo khi thực hiện cuốn chiếu chương trình mới thì bài toán về chỗ học vẫn gặp khó khăn.
Trước mắt, địa phương triển khai phương án dạy học nhiều hơn 5 buổi/tuần, mỗi trường tiểu học dành khoảng 10% số phòng học để tổ chức dạy học các buổi thứ 6, 7… Hiện nay, quận này giải quyết chỗ học cho tất cả người dân trên địa bàn, không phân biệt có hay không có hộ khẩu và đăng ký tạm trú.
Riêng ở huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện này cho biết, năm học này địa phương có 10.638 học sinh sẽ vào lớp 1, quy mô 305 lớp. Hiện nay, còn 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày kể cả lớp 1 do áp lực dân số quá lớn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP phải đảm bảo cho tất cả trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường. Để giải quyết bài toán đó, một số địa phương phải chấp nhận sĩ số học sinh/lớp khá cao. Đơn cử như hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có tổng dân số hơn 250.000 dân, 7 trường tiểu học nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về chỗ học. Tốc độ xây dựng trường dù được đẩy mạnh nhưng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.
Ông Dương Anh Đức đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát lại các dự án đầu tư công xây dựng trường tiểu học và THCS, dự án nào kế hoạch hoàn thành trong năm nay thì đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Về lâu dài, các sở, ngành phải phối hợp để có kế hoạch đầu tư dài hạn.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho tất cả khối lớp ở cấp tiểu học chứ không riêng gì lớp 1. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn triển khai chương trình phổ thông mới đối với những nơi triển khai được dạy học 2 buổi/ngày. Trước mắt, các địa phương triển khai theo tinh thần dạy tối thiểu 6 buổi/tuần, tức học sinh học 6 buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 sẽ đảm bảo yêu cầu tối thiểu của chương trình.
Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có hướng dẫn các trường tổ chức dạy học trong điều kiện không duy trì được 2 buổi/ngày. Cụ thể, mỗi buổi học sẽ gồm 5 tiết, tối thiểu 6 buổi/tuần, nơi nào đủ điều kiện sẽ triển khai dạy học 7 buổi hoặc 8 buổi/tuần; chủ yếu cho các hoạt động trải nghiệm, tăng cường thể chất…
Lãnh đạo thành phố yêu cầu: Cần rà soát lại hệ thống trường lớp, ưu tiên các dự án đầu tư công để xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở, làm tốt công tác dự báo…
Đồng thời, cũng cần khuyến khích phụ huynh có điều kiện để con theo học các trường tư thục, khuyến khích người dân đến thành phố có các cân nhắc kỹ về nơi cư trú, nơi làm việc.