THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo

Chiều 27/9, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và năm 2021; định hướng thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2022, giai đoạn 2021-2025. 

Tham dự Hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo Thành phố. 

Nhiều quận, huyện ở TP.HCM không còn hộ nghèo 

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM thông tin, đến nay, theo báo cáo của các quận, huyện, Thành phố đã giảm 24.601 hộ nghèo, tỉ lệ kéo giảm đạt 0,99% và giảm 36.498 hộ cận nghèo, tỉ lệ kéo giảm đạt 1,48%; Thành phố còn 3.128 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,13% tổng hộ dân Thành phố và 15.197 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 0,62% tổng hộ dân Thành phố. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công. Thành phố có 5 quận và 85 phường của 12 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo. 

Qua kết quả đạt được, Thành phố tiếp tục hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2019 - 2020 và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần X đề ra (thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với đầu năm 2011, trước thời hạn một năm (vào năm 2019). 

Về định hướng thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và trợ giúp xã hội) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, TP.HCM cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố. 

Tiếp thêm nghị lực cho người nghèo vượt khó 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021.

Theo Bí thư, Thành phố đã áp dụng mức chuẩn nghèo chung, không phân biệt thành thị và nông thôn, cao hơn mức chuẩn quốc gia từ 2-2,5 lần và từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống của bộ phân dân cư, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh VP Bộ LĐ-TB&XH - Trưởng Đại diện VP Bộ tại TP.HCM tham dự Hội nghị.

Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh VP Bộ LĐ-TB&XH - Trưởng Đại diện VP Bộ tại TP.HCM tham dự Hội nghị.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực đã làm nên kết quả thời gian qua, đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém còn tồn tại, vướng mắc, đề ra những biện pháp có hiệu quả, quyết liệt trong thời gian tới. Toàn hệ thống chính trị xem công tác giảm nghèo bền vững là công tác thường xuyên để nỗ lực hành động. 

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy còn đề nghị phải quan tâm đến nâng cao chất lượng sống, chuẩn sống của người dân; chăm lo, bảo vệ đời sống văn hóa tinh thần; có chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo; tập trung nâng cao chất lượng sống của các gia đình chính sách, không để các gia đình chính sách có mức sống dưới trung bình của địa phương. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, kế hoạch giảm nghèo bền vững; bổ sung các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ cận nghèo như vốn, nghề nghiệp, việc làm,… 

Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM cũng lưu ý, cần quan tâm chăm lo chu đáo cho cán bộ làm công tác có liên quan đến giảm nghèo bền vững của Thành phố và đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua vì người nghèo.

XT

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh