CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

TP.HCM: Những dòng kênh đã được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để cải tạo, đối mặt tái ô nhiễm

Rác thải, ô nhiễm bức tử nhiều dòng kênh

Ghi nhận của PV dọc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, chảy qua địa bàn 6 quận (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11), dài hơn 22km nước chỉ trong xanh ở thượng nguồn gần bến sông Bạch Đằng. Đoạn từ cầu chữ Y (quận 5) đến gần kênh Lò Gốm nước đen kịt và đầy rác. Khu vực này còn có các bè thuyền neo đậu, người dân sinh hoạt và xả rác ngay trên kênh. Tuyến kênh này, TP đã đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng để cải tạo dòng kênh nhưng hiện đang có nguy cơ tái ô nhiễm.

Nối tiếp kênh Tàu Hũ – Bến Nghé đến kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh này chảy qua 4 quận (Q.11, 6, Tân Bình, Tân Phú) dài 6,8km cũng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trở lại khi nước dưới kênh đen ngòm và bốc mùi hôi, rác nổi lềnh bềnh trên kênh. Đáng chú ý, ngay cầu Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 bắc qua kênh Lò Gốm, dưới lòng kênh có đủ các loại rác trôi nổi, mùi hôi nồng nặc, trái ngược với cảnh trên bờ, hai bên dòng kênh cây cối tỏa bóng mát, khung hàng rào sắt uốn lượn và những trụ đèn thiết kế cổ điển rất tinh tế. Đi tiếp một đoạn, tại khu vực cầu số 3 bắc qua kênh, PV ghi nhận nước thải từ ống cống được xả thẳng ra dòng kênh. 

TP.HCM: Nhiều dòng kênh có nguy cơ tái ô nhiễm  - Ảnh 1.

Dù TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo nhưng nước kênh vẫn đen và bốc mùi hôi

Bà Lê Thị Thảnh, nhà đối diện kênh Tân Hóa – Lò Gốm cho biết, người dân sống tại khu vực thì đều có ý thức để rác đúng nơi quy định không vứt bừa bãi. Rác trên kênh phần lớn do những người đi đường vứt rác xuống. "Nhiều người ý thức kém đem xác động vật vứt xuống kênh, thậm chí còn xả trực tiếp nước thải ra kênh khiến nước kênh càng ô nhiễm hơn. Chính quyền địa phương chưa xử phạt được người nào xả rác ra kênh. Công ty vệ sinh môi trường cũng thường xuyên vớt rác nhưng không xuể. Mùa nắng, nước kênh cạn nên càng bốc mùi hôi hơn", bà Thảnh nói. 

Cuối dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dài 8,7 km chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Năm 2003, UBND TP.HCM đầu tư gần 10.000 tỷ đồng xây dựng bờ kè, làm cống tiêu thoát nước và làm đường hai bên bờ kênh. Đến nay, chỉ có đoạn kênh ở đầu cầu Thị Ngè, quận 1 nước trong và có nhiều cây xanh, đẹp nhất trong các đoạn kênh trên địa bàn TP. Nhưng càng chạy về phía hạ nguồn nước càng đen, nguy cơ ô nhiễm cao.

TP.HCM: Nhiều dòng kênh có nguy cơ tái ô nhiễm  - Ảnh 2.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm nước đen kịt và đầy rác

Ông Phạm Văn Bảy, ngồi hóng mát ở ghế đá ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trên đường Hoàng Sa cho biết, từ ngày kênh này được hồi sinh, những căn nhà "ổ chuột" hai bên dòng kênh đã không còn, thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ. "Hàng ngày người dân ra ghế đá dọc con kênh hóng mát và tập thể dục, cuộc sống của nhiều gia đình đã đổi thay từng ngày, trẻ con có chỗ vui đùa... Thế nhưng vài năm trở lại đây, một số người dân thiếu ý thức đã xả rác, xả nước thải và vứt xác động vật xuống kênh do đó nhiều đoạn nước kênh đã đen và thối trở lại", ông Bảy bức xúc.  

Cải tạo, nạo vét hai dòng kênh trong năm nay

Trước nguy cơ tái ô nhiễm trên nhiều dòng kênh và để cải thiện tình trạng này UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT triển khai nạo vét, tạo dòng chảy trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ – Bến Nghé trong năm 2020. Riêng kênh Tân Hóa – Lò Gốm chưa được triển khai trong năm nay vì đang chờ nguồn vốn.

Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, từ tháng 3 đơn vị thi công đã bắt đầu xử lý nạo vét bùn thải dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Việc nạo vét kênh sẽ triển khai thành 3 đợt. Dự kiến khối lượng bùn được nạo vét khoảng 122.000m3 với kinh phí khoảng 36,5 tỷ đồng. Hiện nay đơn vị thi công đã nạo vét xong đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6, bây giờ nước trong xanh, không còn đen nữa. Đoạn cuối từ cầu số 6 đến đường Út Tịch còn đang lựa chọn nhà thầu, dự kiến thi công trong tháng 6 và hoàn thành tháng 8. Đoạn còn lại từ cầu Lê Văn Sỹ đến sông Sài Gòn dự kiến triển khai trong tháng 7 và hoàn thành tháng 10 năm nay. Bên cạnh đó, kênh Tàu Hũ – Bến Nghé cũng sẽ được thi công nạo vét và hoàn thành trong năm 2020.

TP.HCM: Nhiều dòng kênh có nguy cơ tái ô nhiễm  - Ảnh 3.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn đẹp nhất của kênh nước trong xanh. Nhưng từ giữa kênh đến hạ nguồn vẫn là một màu nước đen. Ảnh Hoài Thư

"Nước trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị đen, có mùi hôi là do rác thải sinh hoạt của người dân chảy từ các miệng cống đổ xuống kênh. Thời gian qua kênh này chưa được nạo vét, gây bồi lắng, khiến dòng chảy bị ảnh hưởng. Sau khi hoàn thành việc nạo vét bùn thải, sẽ xử lý được mùi hôi, nước kênh sẽ trong hơn. Tuy nhiên về lâu dài để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm, cần có sự chung tay góp sức của người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường", ông Dũng nói.

Là địa bàn quản lý một đoạn kênh Tân Hóa – Lò Gốm, có nhiều rác thải trên kênh, ông Trần Đức Thọ, Chủ tịch UBND phường 7, quận 6, TP.HCM cho biết, năm 2019, phường đã xử phạt vài chục trường hợp người dân xả rác xuống kênh. Trong đó phát hiện 3 trường hợp xả nước thải trực tiếp ra kênh, mỗi trường hợp này bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Theo ông Thọ, những người dân sinh sống gần hai bờ kênh hầu hết có ý thức không xả rác, đó là những người đi đường, ngồi chơi công viên dọc bờ kênh rồi xả rác xuống kênh. Để người dân có ý thức bảo vệ môi trường, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách treo nhiều băng rôn, khẩu hiệu, đặt thùng rác dọc tuyến kênh.   

Đại diện UBND phường 11, quận 6 cho biết, trên tuyến kênh thuộc địa bàn phường quản lý cũng có tình trạng người dân đổ rác xuống kênh, tuy nhiên để xử lý không dễ dàng do không bắt được các hành vi này. Do vậy phường chú trọng công tác tuyên truyền, làm nhiều băng rôn cảnh báo không xả rác.

Hoài Thư

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh