TP.HCM lên kế hoạch cho học sinh trở lại trường
- Giáo dục nghề nghiệp
- 12:18 - 27/11/2021
Tham dự chương trình có Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS Nguyễn Hữu Hưng và Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP Dương Trí Dũng.
Trước đề nghị đánh giá việc thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) học trực tiếp, tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết, Thạnh An là nơi có mật độ dân cư thấp, nằm biệt lập với huyện Cần Giờ, đặc điểm vị trí khá ổn về mặt phòng chống dịch. Sau một thời gian thí điểm, việc dạy và học trực tiếp tại trường thu được kết quả khả quan. Các em học sinh học tập thoải mái, công tác giảng dạy của giáo viên cũng đạt kết quả tốt. Qua đó, ngành giáo dục cũng rút ra nhiều bài học, tiêu biểu là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, người dân, phụ huynh, trường học trên nền tảng xây dựng phương án thích ứng an toàn cho các đơn vị trường học, đảm bảo các bộ tiêu chí, quy định liên quan.
Trong thời gian từ ngày 20/10 tới nay, các trường đã thích ứng với việc chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến khi có phát hiện F0. Khi phát hiện ca bệnh, những em F0, F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến, sau khi điều trị khỏi bệnh hoặc hoàn thành cách ly thì lại đi học bình thường.
Qua thí điểm trên, theo ông Dương Trí Dũng, ngành giáo dục sẽ báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM kế hoạch cho học sinh trên các địa bàn khác của TP được quay lại trường học tập.
Trả lời câu hỏi làm sao để đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi số lượng học sinh trong một lớp đều trong khoảng 30 - 40 em, Phó Giám đốc Sở GD&-ĐT cho rằng, đây là vấn đề trăn trở của phụ huynh, học sinh và cả ngành giáo dục. Sau khi trao đổi, bàn luận, Sở Y tế và Sở GD&ĐT đã trình UBND TP phương án tốt nhất để đưa học sinh trở lại trường. TP đã phê duyệt bộ tiêu chí đảm bảo an toàn trường học, đề cập đến khoảng cách an toàn giữa các em học sinh.
Cụ thể, bộ tiêu chí hướng dẫn việc quản lý học sinh thế nào để các em hoạt động, trao đổi, giữ khoảng cách trong nhà trường một cách an toàn. Để thích ứng với điều kiện mới, ngành giáo dục cũng đưa ra phương án cho học sinh hoạt động theo nhóm, vừa nâng cao kỹ năng mềm, vừa quản lý việc phòng, chống dịch của các em.
Đối với những học sinh không được/hoãn tiêm vaccine COVID-19 vì nhiều lí do, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, các em vẫn được trường bình thường như học sinh khác. Tuy nhiên, nhà trường, thầy cô sẽ coi những học sinh trên là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ đặc biệt. Ngoài học tập, các em sẽ được quan tâm về các phương diện khác để đảm bảo an toàn.
Sớm ban hành cẩm nang hướng dẫn phòng, chống dịch trong trường học
Thông tin với người dân, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho hay, Sở Y tế TP đã hoàn thành cẩm nang hướng dẫn cho giáo viên và học sinh khi dạy, học trực tiếp. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản của ngành y tế. Cẩm nang này đang được chuyển cho các sở, ngành liên quan góp ý và thống nhất. Trước khi học sinh đi học lại, ngành giáo dục và y tế sẽ ban hành và chuyển tải đến các trường.
Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn học sinh 12-18 tuổi được tiêm vaccine, nhưng các em nhỏ tuổi hơn chưa được tiêm vaccine thì đến trường thế nào cho an toàn.
Ông Dương Trí Dũng cho hay, thành phố cũng đang giải quyết vấn đề này. Những em đủ tuổi thì được tiêm vaccine. Ngành giáo dục và y tế sẽ xây dựng phương án an toàn cho học sinh khi trở lại trường kể cả đối tượng đã tiêm và chưa tiêm. Vì đến trường là quyền lợi của tất cả học sinh.
Trong buổi livestream, ngành y tế cũng nhận được một số băn khoăn của người dân khi nhiều F0 không liên lạc được với y tế địa phương để được hỗ trợ. Trả lời vấn đề này, ông Hưng cho biết ngành y tế TP đã phân công cho trung tâm y tế, trạm y tế trực điện thoại 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch bệnh, trạm y tế tiếp cận hỗ trợ. Nếu không gọi được y tế địa phương, người dân có thể gọi điện lên đường dây nóng của Sở Y tế (0967.771.010), tổ điều phối của Sở Y tế (0989.401.155).
Phó Giám đốc Sở Y tế cũng khuyến cáo, khi test nhanh tại nhà dương tính, người dân phải thông báo ngay cho y tế địa phương. Người dân ở khu vực có nhiều F0 nên cẩn trọng trong tiếp xúc, đi lại, giao lưu trong khu vực.
Hiện nay có một bộ phận người dân có biểu hiện chủ quan lơ là, nghĩ rằng tiêm đủ mũi vaccine ra sẽ an toàn. Theo ông Hưng, trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát triệt để, người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, không chủ quan. Cùng với đó, không nên lựa vắc xin để trì hoãn, cố gắng ăn uống đủ chất nhằm tăng cường sức khoẻ.