THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:06

TP.HCM: Khu Mả Lạng Cầu Hàng đổi thay

Được biết, khu Mả Lạng Cầu Hàng năm xưa thuộc xã Tân Thuận, Huyện Nhà Bè. Mãi đến năm 1997, thành phố tách huyện Nhà Bè thành quận 7 và huyện Nhà Bè, xã Tân Thuận cũng được tách thành phường Tân Thuận Tây và Tân Thuận Đông. Khu Mả Lạng Cầu Hàng nằm trên trục đường Trần Xuân Soạn, dưới chân cầu Tân Thuận thuộc thuộc  phường Tân Thuận Tây, quận 7.

Theo tìm hiểu của PV báo Dân Sinh, Khu Mả Lạng một thời tăm tối về tệ nạn xã hội, hiện không còn trong ký ức của người dân nơi đây, hơn 80% dân trước kia đã bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống.

Người dân kể về khu Mả Lạng Cầu Hàng xưa.

 

Với sự phát triển về kinh tế, xã hội vượt bậc của quận 7, về giao thông cũng đã thuận lợi hơn rất nhiều, bên cạnh cầu Tân Thuận 1, giờ đây có thêm cầu Tân Thuận 2 hướng từ quận 4 sang quận 7, đường Trần Xuân Soạn cũng được nâng cấp mở rộng. Những căn nhà khang trang, Trường Đại học Tài chính Marketing cũng được xây dựng trên mảnh đất này.

Khu Mả Lạng ngày nay không còn ai nhắc tới, mà thay vào đó là khu dân cư mới  thuộc tổ 12, khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7. Các con đường, con hẻm sạch đẹp khang trang, là điểm sáng của phong trào khu phố văn hoá, góp phần làm đẹp bộ mặt và sự phát triển chung của quận 7.

Ông Trần Văn Hùng (68 tuổi) nguyên bí thư đảng uỷ xã Tân Thuận, trưởng khu phố 4 phường Tân Thuận Tây cho biết: “Trước giải phóng nơi đây vốn là một vùng đất toàn lau sậy, dừa nước, cỏ cây um tùm, ở giữa có một gò đất cao, người dân khi đó đem người mất ra đây chôn cất lâu ngày trở thành nghĩa địa, mồ mả nằm rải rác. Dân Sài Gòn đi ngang qua đây thường gọi là gò mả”.

“Ngày xưa chế độ cũ cho xây dựng cầu Tân Thuận vòng xuống Trần Xuân Soạn, cho lấp con rạch và làm cầu, nên có tên là Cầu Hàn, sau này cũng không biết tại sao lại thành tên Cầu Hàng”, ông Hùng cho biết thêm.

 Nơi đây hiện đã là một khu phố mới, không còn tệ nạn xã hội.


Cô Chinh, sinh năm 1962 sống ở đây từ năm 1980 cho biết: “Sau năm 1975, người ta tụ tập về đây cất tạm chòi lá, nhà tạm trong các gò mả để ở. Hồi đó khu này không có điện, nước, các tệ nạn nhiều lắm; hút chích, buôn bán ma tuý, các đối tượng trộm cắp cũng tập trung về đây ở, nhất là tệ nạn mại dâm... ai đi qua đây cũng bị chào mời, lôi kéo vào khu mả lạng nhưng hầu như bị cướp hết quần áo tiền bạc chỉ có quần đùi đi về. Buổi tối thì gái mại dâm ngồi trên thành cầu, gò mả như những bóng ma”.

Theo ông Nguyễn Văn Lân, nguyên là tổ phó tổ dân phố: “Sau năm 1997 khu này thuộc về quận 7, chính quyền lúc đó mạnh tay dẹp khu này nên đã đặt trụ sở Công an phường ngay chân Cầu Hàng, tệ nạn bắt đầu giảm. Tụi buôn bán ma tuý cũng bỏ đi nơi khác, mại dâm thì bị bắt đi cải tạo. Bị truy quét quyết liệt nên cũng không còn đất sống, đến năm 2000 khu này không còn tệ nạn như trước kia”.

Sau năm 2000, quận 7 bắt đầu quy hoạch lại khu vực này, những nhà nào ở lâu năm được hợp thức hoá nhà đất, gia đình nào có điều kiện xây nhà kiên cố, những gia đình khó khăn cũng được quận hỗ trợ, xây tặng nhà tình thương, cuộc sống người dân bắt đầu ổn định lại, cơ sở hạ tầng, đường, hẻm được nâng cấp, mồ mả có người thân cũng được đem đi hoả táng hoặc chôn nơi khác, những ngôi mộ vô chủ cũng được quận đem đi. Trả lại cho nơi đây một khu phố mới, một khu dân cư mới, không còn tệ nạn xã hội.

BẢO BÌNH - HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh