Khu Mả Lạng vùng đất ‘nghèo nhất Sài Gòn’ đang dần tái sinh
- Dược liệu
- 13:26 - 15/06/2019
Những năm sau giải phóng, nhiều người kéo nhau xuống Sài Gòn. Thành phố này bỗng chốc trở nên đông đúc. Phần lớn những con người đổ về thành phố này để tìm kiếm một cuộc sống mới. Thế nhưng, với một thành phố vừa dứt bom đạn thì mọi thứ trở nên khó khăn chật chội để kiếm sống mưu sinh. Và nhiều người hào hứng vào một cuộc sống tươi đẹp tại thành phố này lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, chính quyền đã quyết định di dời người dân sống lang thang đi các vùng kinh tế mới, tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh sống.
Tuy nhiên, một số người đã bỏ trốn về lại Sài Gòn. Nhắc về việc trốn khi không chịu nổi cuộc sống nơi kinh tế mới và để sau đó họ trở thành “cư dân” của Khu Mả Lạng, các cư dân Mả Lạng kể, họ đa phần đều là dân thị thành, không quen với công việc cuốc cày vỡ đất nên khi di dời đến vùng kinh tế mới họ đã bỏ trốn về lại thành phố.
Khu Mả Lạng vùng đất "nghèo nhất Sài Gòn" đang dần tái sinh.
Thất nghiệp, lang thang vật vờ, từ đó Sài Gòn bỗng chốc phải oằn lưng “cưu mang” những con người lâm vào cảnh đường cùng và rồi điều gì đến cũng sẽ đến. Những tệ nạn xã hội diễn ra một cách phức tạp, lộn xộn. Và không ít người phải chịu cảnh ban ngày lang thang đầu đường bờ bụi, tối tụ tập dưới khu vực chân Cầu Muối (một chiếc cầu gỗ xưa bắc ngang một con kênh nay là đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP.HCM), Cầu Ông Lãnh, các ngả tư đường…
Trước giải phóng, Khu Mả Lạng vốn là một nghĩa địa, mồ mả nằm rải rác, dân Sài Gòn đi ngang qua đây thường gọi là gò mả, đồng mả. Tuy nhiên, năm 1979, mồ mả khu Mả Lạng được di dời. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là Bí thư Thành uỷ TP.HCM) quyết định đưa những người lang thang vô gia cư về khu Mả Lạng, dựng nhà đơn sơ, diện tích 3x5m, vách bằng cót ép, lợp tôn cấp cho dân lưu trú. Khu Mả Lạng được quy hoạch chia thành các lô, đánh dấu từ A đến K. Từ đó “Khu Mả Lạng” ra đời, thay thế cho “nghĩa địa, đồng mả” trước đây. Được bao bọc bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM). Nằm lọt thỏm giữa lòng quận 1 TP.HCM ngày nay.
Người dân nơi đây giờ chăm lo làm ăn kinh tế, đẩy lùi tệ nạn để thoát nghèo.
Với địa hình khu vực này là những con hẻm ngoàn nghèo và tựa như một mê cung. Thời gian đầu được di dời về đây, những “cư dân bất đắc dĩ” vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nghèo túng, tình hình trị an phức tạp và sự tập trung nhiều thành phần “máu mặt”. Khu Mả Lạng bỗng chốc trở thành một trong bốn chợ trời ma túy lớn nhất nước ở thời điểm đó. Tình hình ma túy tại đây đặc biệt phức tạp đến nỗi có lúc dân quân trực gác liên tục ở ngay đầu mỗi con hẻm, nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm việc buôn bán ma tuý. Nổi đình đám nhất về tệ nạn buôn bán ma túy là các con hẻm 245 Nguyễn Trãi, 168 Nguyễn Cư Trinh…
Tình trạng mua bán ma tuý diễn ra đến năm 2002, 2003 thì chấm dứt, khi lực lượng chức năng và công an đấu tranh, trấn áp quyết liệt, triệt tiêu các băng nhóm. Cuộc sống Mả Lạng bình yên trở lại, chuyện phạm pháp tung hoành, làm mưa làm gió của các anh chị, băng nhóm giang hồ giờ thành giai thoại, kể nhau nghe lúc rượu trà, để biết chốn này cũng lắm dữ dằn, chẳng thua gì các nơi quận 4, Tôn Đản, Cầu Muối…
Người dân Khu Mả Lạng sống với nhau bằng tình người, giúp đỡ nhau cùng xây dựng khu phố văn hóa.
Bước chân vào Mả Lạng hôm nay, người ta không còn cảm giác sợ sệt nữa. Những con hẻm dẫn vào khu này nhìn tươm tất, không còn cảnh nhếch nhác, rác đầy đường như lúc trước. Những dãy nhà phố buôn bán sầm uất, những con hẻn khang trang sạch sẽ, trước hẻm còn được treo tặng khu phố văn hóa. Không còn là khu một thời vùng “đất dữ của Sài Gòn xưa”.
Anh Nguyễn Văn Sang, một thợ sửa xe máy trong hẻm 245/39 Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) thấy tôi vừng dừng xe và đang không biết có để xe ở đây được hay không thì lớn tiếng gọi: “Để xe ở đấy đi chú ơi không sao đâu”. Tôi dạ và tiến lại gần “tiệm của anh”, nói là tiệm chứ thực ra chỉ có máy hơi, vài dụng cụ đơn sở để sửa những hư hỏng nhỏ, để vá xe, thay ruột cho bà con trong khu.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Sang chia sẻ: “Tôi quê ở Tiền Giang nhưng sinh ra và ở đây, khu Mả Lạng nhiều thứ giờ đã đổi thay không còn như trước đây. Khu đất nghĩa địa xưa hiện nay được coi là đất vàng, giá trăm triệu đồng một mét vuông. Người dân giờ lo làm ăn kinh tế vươn lên thoát khổ, và mọi người sống với nhau bằng tình người…”.