TPHCM: Học sinh sẽ đeo thẻ gắn chíp định vị?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:01 - 02/04/2017
Theo ông Trần Thế Thuận, hiện nay trên địa bàn quận 1 xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm ở những tuyến đường tập trung nhiều trường học, tiêu biểu là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Quận đang bàn giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này.
Theo ông Thuận, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 7.000 - 8.000 lượt phụ huynh, học sinh nên đến giờ cao điểm là ùn tắc. Quận đang bàn phương án dùng xe buýt đưa đón học sinh đến trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Ngọc Hân.
“Mỗi cháu được 1 làm thẻ chip và gia đình có thể kiểm tra con em mình đang ở đâu. Xe buýt đưa các cháu đi học cũng tập kết ở điểm cách trường trên 100m để các cháu tập thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng”, ông Thuận nói.
Liên quan đến trật tự đô thị, ông Thuận cho biết sau gần 3 tháng ra quân lập lại trật tự vỉa hè thì trong số 134 tuyến đường trên địa bàn có 100 tuyến đường thông thoáng, không còn tình trạng lấn chiếm, bán hàng rong như trước đây.
Cũng theo ông Thuận, 34 tuyến đường còn lại đang tiếp tục được chấn chỉnh trật tự vỉa hè, trong đó có 70% số tuyến giao cho phường xử lý.
Người đứng đầu chính quyền quận 1 cho rằng để giải quyết bền vững vấn đề trật tự đô thị thì bên cạnh việc xử lý vi phạm, nhiệm vụ tiếp theo là phải đảm bảo không tái lấn chiếm. Để thực hiện việc này, ở địa phương sẽ có các tổ kiểm tra, giám sát và nhắc nhở.
Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mang tính căn cơ, theo ông Thuận là giải quyết việc làm ổn định cuộc sống cho người bán hàng rong, nhất là các hộ nghèo. Ông cho biết, qua rà soát, sàng lọc các hộ buôn bán vỉa hè trên địa bàn quận thì có 260 hộ nghèo.
“Sau khi được vận động thì có 130 hộ đồng ý chuyển đổi nghề nghiệp thông qua việc học nghề hay hỗ trợ dịch vụ vệ sinh, giúp việc nhà, bảo vệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn... và có thu nhập ổn định”, ông Thuận nói.
Bên cạnh đó, việc UBND TP duyệt đề án phố bán hàng rong theo giờ trên đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp cũng giúp quận giải quyết nhu cầu buôn bán cho khoảng 100 hộ. Đối với 30 hộ nghèo còn lại không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp như người già, người khuyết tật, địa phương sẽ có biện pháp khác.
“Chúng tôi đã vận động 1.200 hộ kinh doanh trong chợ Bến Thành đồng ý chuyển đổi từ sử dụng túi nilon sang túi giấy. Với mức tiêu thụ mỗi tháng khoảng 110.000 túi giấy (từ 600 đồng - 1.000 đồng/kg) thì có thể đảm bảo được việc làm cho 30 hộ này”, ông Thuận thông tin.