THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 06:01

TP.HCM: Hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19 đợt 2

Theo đó, đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng (mức chuẩn cận nghèo của TP giai đoạn 2021 - 2025). Đồng thời, cư trú hợp pháp trên địa bàn TP (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận).

Bên cạnh đó, làm một trong 7 loại công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tại Công văn số 1749/UBND-VX; xe ôm truyền thống, xe xích lô chở khách.

Ngừoi dân phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM phấn khởi nhận tiền hỗ trợ Covid-19 (đợt 1).

Ngừoi dân phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM phấn khởi nhận tiền hỗ trợ Covid-19 (đợt 1).

UBND TP cũng quyết định hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa... đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 (không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú).

Theo quyết định, đối với lao động tự do được hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng/người. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng/hộ.

Thời gian hỗ trợ được áp dụng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP.

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách TP và nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Tổng dự toán kinh phí đã hỗ trợ trong đợt 2 là hơn 2.874,1 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách TP hơn 2.714,9 tỷ đồng; từ nguồn vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP gần 160 tỷ đồng. 

Người dân ở TP.HCM khó khăn vì dịch Covid-19.

Người dân ở TP.HCM khó khăn vì dịch Covid-19.

UBND TP giao UBND TP Thủ Đức và các quận huyện căn cứ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được phê duyệt, bố trí kinh phí về UBND phường, xã, thị trấn để chi trả hỗ trợ cho các hộ dân. 

Đồng thời, chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định, phê duyệt và tổng hợp danh sách hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện hỗ trợ, bố trí kinh phí và gửi danh sách về UBND phường, xã, thị trấn để thực hiện chi trả hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ. 

Việc chi hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc không phân biệt hộ thường trú, tạm trú, lưu trú, số nhân khẩu trong hộ, thành phần nghề nghiệp (công nhân, lao động nghèo, sinh viên học sinh) ở khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa...; đảm bảo không trùng lắp, không bỏ sót đối tượng, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ. 

Đồng thời, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách và thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo thực tế chi hỗ trợ. 

Ngoài nguồn ngân sách TP giao, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện chủ động sử dụng nguồn kinh phí vận động hợp pháp ở địa phương hoặc báo cáo đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sử dụng nguồn Quỹ Vận động Covid-19 để hỗ trợ bổ sung cho các trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương. 

UBND TP giao Sở Tài chính tham mưu UBND TP nguồn kinh phí để bố trí dự toán cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện theo số tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách phê duyệt tại Quyết định này. Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP.

XUÂN TRƯỜNG

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh