THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:13

TP.HCM đề xuất bỏ quy định thu 2% phí bảo trì nhà chung cư

 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn hiện có 1.367 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (tăng gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5,5 lần so với năm 1975), với tổng diện tích sàn xây dựng là 10.645.970 m2, diện tích bình quân căn hộ là 75 m2.

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, các chung cư có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Tuy nhiên trên thực tế đa số các chung cư cũ là chung cư thấp tầng, số lượng căn hộ ít và không có thang máy nên hầu hết chung cư này không thành lập Ban quản trị mà hoạt động theo mô hình tự quản. Với các chung cư mới, hiện còn 212 chung cư chưa thành lập Ban quản trị.

Ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP.HCM tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về việc quản lý và sử dụng 2% tiền phí bảo trì luôn diễn ra gay gắt. Một số chủ đầu tư chiếm dụng tiền phí bảo trì không giao lại cho ban quản trị tòa nhà.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên toàn địa bàn thời gian qua có hơn 38 chung cư xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp gay gắt. Trong đó, chủ yếu là tranh chấp liên quan đến kinh phí vận hành và quỹ bảo trì nhà chung cư. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều chung cư đang tranh chấp kéo dài nhưng chưa được giải quyết.


Cư dân yêu cầu chủ đầu tư chủ đầu tư công khai, minh bạch chi phí và quỹ bảo trì tòa nhà cho cư dân


Theo luật nhà ở quy định chủ đầu tư khi bán căn hộ cho khách hàng phải thu thêm 2% giá trị căn hộ làm kinh phí bảo trì. Đến khi chung cư có ban quản trị thì chủ đầu tư phải chuyển kinh phí này cho ban quản trị. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của tùng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu nhà chung cư trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Theo ông Hải, Luật nhà ở quy định chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND TP ra quyết định cưỡng chế. UBND TP.HCM đã ủy quyền cho Sở Xây dựng TP ra quyết định cưỡng chế. Luật nhà ở quy định cưỡng chế tài khoản của chủ đầu tư, nếu tài khoản không còn tiền thì cưỡng chế tài sản khác. UBND TP giao cho Sở Xây dựng TP soạn thảo quy trình cưỡng chế.

Để giải quyết những tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì nhà chung cư, Sở Xây dựng TP đề xuất điều chỉnh nội dung cưỡng chế kinh phí bảo trì nhà chung cư theo hướng để các bên khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án.

Sở Xây dựng TP đề xuất: Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu trong quá trình quản lý sử dụng, số tiền thu sẽ do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng tranh chấp tại các chung cư nếu không được giải quyết có thể sẽ dẫn đến phát sinh những bất ổn xã hội. Qua thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp do một số chủ đầu tư nhận thức pháp luật không đúng như chủ đầu tư bán căn hộ cứ nghĩ phần sở hữu chung là của riêng chủ đầu tư.

Cũng có trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Trong khi đó, năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước của một bộ phận viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu, thậm chí buông lỏng, xử lý không đến nơi đến chốn, dẫn đến tranh chấp ngày càng phức tạp.

Trước tình hình tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư thời gian qua, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí 2% phần sở hưu chung cư nhà chung cư như hiện nay.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh