THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:13

TP.Hồ Chí Minh, dẫn đầu công tác thí điểm nghèo đa chiều

 

 Tham dự có ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHồ Chí Minh, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của UNDP tại Việt Nam, cùng các đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia về giảm nghèo trong khu vực gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm mới nhất trong việc đo lường, giải quyết nghèo đói và cung cấp dịch vụ công cho những người cần được giúp đỡ.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Từ những chính sách đầu tiên của chính phủ Việt Nam về hỗ trợ người nghèo vào đầu những năm 90, đến năm 1996 chính thức nâng lên thành chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xóa đói giảm nghèo với mỗi giai đoạn là 5 năm, đến 2011 đổi tên thành CTMTQG giảm nghèo bền vững, và đến nay chương trình giảm nghèo ở Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn. Trong khoảng 20 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã sử dụng một thước đo duy nhất đó là thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình và sau mỗi chương trình 5 năm thì chuẩn nghèo được điều chỉnh tăng lên. Đến 2011-2015 chuẩn nghèo của Việt Nam là 400.000đồng/người/tháng ở vùng nông thôn, 500.000 đồng/người/tháng  ở thành thị.

 

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khai mạc hội nghị

“Trong quá trình đo lường và xác định đối tượng nghèo đói theo thu nhập Việt Nam đã tập trung tìm nguyên nhân và thấy rằng nghèo đói là do rất nhiều nguyên nhân như: Thiếu đất, thiếu vốn, thiếu lao động, ốm đau bệnh tật, trình độ học vấn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém... từ thực tế đó, những chính sách tác động vào các nguyên nhân được ban hành. Cho nên mặc dù đo lường chỉ bằng thu nhập nhưng thực chất các chính sách giảm nghèo của Việt Nam đã tác động trên toàn diện về sản xuất, đời sống và  tiếp cận các dịch vụ xã hội từ rất sớm. Những chính sách mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã  đạt thành tựu hết sức quan trọng, sau hơn 20 năm giảm từ 58%  hộ nghèo của năm 1992 xuống còn 4,5% hộ nghèo vào cuối 2015”, Thứ trưởng Đàm cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, thực tế cho thấy, việc đo lường chuẩn nghèo theo một tiêu chí bộc lộ rất nhiều hạn chế như không phản ánh được tình trạng nghèo của người dân. Nếu chỉ có đo lường nghèo về thu nhập thì chưa thực hiện được mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững, đồng thời, bỏ sót đối tượng là những hộ trên chuẩn và những hộ khác. Đây chính là mấu chốt quan trọng để chúng tôi sớm bắt tay vào nghiên cứu việc thay đổi tích cực từ đơn chiều sang đa chiều và tham gia vào mạng lưới nghèo đa chiều. Thứ trưởng cũng nhận định, đây là phương pháp mới được áp dụng chắc chắn còn phải nghiên cứu trong quá trình thực hiện và rất mong nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ từ các chuyên gia và UNDP để phương pháp được hoàn thiện hơn nữa, để “không để ai ở lại phía sau” như mục tiêu của LHQ.

Tại Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh đang dẫn đầu trong công tác thí điểm sử dụng nghèo đa chiều để giải quyết nghèo đói và các vấn đề khác liên quan đến dịch vụ, nhất là dịch vụ cho những bộ phận dân cư dễ bị tổn thương

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Hội đồng nhân dân thành phố vừa quyết định chuẩn nghèo cho giai đoạn 2016 – 2020 theo cách sử dụng cách tiếp cận đa chiều để áp dụng vào chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố. “Hiện nay, thành phố đang xây dựng các chính sách cụ thể để giải quyết những thiếu hụt về thu nhập và 5 chiều xã hội (giáo dục, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, và tiếp cận thông tin), tăng cường sự tham gia và vai trò của người dân và cộng đồng và chính quyền các cấp của thành phố; tổ chức lồng ghép mục tiêu giảm nghèo đa chiều vào các kế hoạch, chương trình và ngân sách thường xuyên”, bà Thu cho biết.

TP.Hồ Chí Minh nói riêng và Việt nam nói chung sẽ sử dụng công cụ nghèo đa chiều để xác định quá trình xác định hộ nghèo và đã xây dựng khuôn khổ cũng như các bộ thủ tục nhằm hoàn tất công tác này bên cạnh hệ thống xác định dựa vào thu nhập hiện có.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo đến từ nhiều nước khác nhau

Tại hội thảo, TS. Pratibha Mehta hoan nghênh chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã đi tiên phong trong việc áp dụng cách tiếp cận này. “Thành phố nằm trong nhóm được chọn gồm các nhà sáng tạo toàn cầu đang tìm cách triển khai những cách tiếp cận này để đóng góp tích cực vào đời sống cư dân thành thị, nhất là với những người thiệt thòi nhất và dễ bị tổn thương nhất”. – bà nói.

Trong ba ngày hội thảo, Indonesia, Malaysia và Pakistan cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực hiện trong quá trình áp dụng, trong quá trình áp dụng nghèo đa chiều. Việc ứng dụng nghèo đa chiều trong đánh giá và giải quyết các vấn đề liên quan đến các chiều khác nhau của nghèo đói, cũng như tăng cường khuôn khổ thể chế và cơ chế phối hợp hiệu quả.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận các cơ chế phối hợp giữa các nước/thành phố để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nghiên cứu ứng dụng để thúc đẩy hiểu biết và áp dụng nghèo đa chiều cũng như cải thiện việc cung cấp dịch vụ vào thực tiễn.

Lê Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh