THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:07

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo đang đi đúng hướng

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho Chương trình giảm nghèo

Các đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La), Lê Thị Yến (Phú Thọ), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đều bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi trước việc ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành các Nghị quyết đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn…trong những năm qua, góp phần đóng góp vào tăng trưởng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Trong giai đoạn tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tham mưu, tổ chức thực hiện các lĩnh vực: Giảm nghèo, lộ trình bảo hiểm xã hội, đào tạo nguồn nhân lực khi Cộng đồng chung ASEAN hình thành cuối năm 2015 như thế nào?


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải trình các vấn đề quan tâm của đại biểu Quốc hội

Báo cáo về công tác giảm nghèo, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Trong đó, đánh giá chung của cả giai đoạn 2011-2015, mà mặc dù còn khó khăn nhưng ngân sách Nhà nước vẫn dành một nguồn lực rất lớn, khoảng 172.000 tỷ đồng cho thực hiện chính sách nói chung và 33.000 tỷ đồng cho các huyện đặc biệt nghèo khó khăn đang thụ hưởng Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. “Chính vì vậy, trong báo cáo của Chính phủ đã nêu tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung trong những năm gần đây là 2%/năm, riêng đối với huyện nghèo là 4%, có huyện giảm bình quân là 5%-6%/năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số miền núi giảm mạnh so với đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo…”-Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và các đại biểu quốc tế tại Diễn đàn giảm nghèo 2015

 Chuẩn bị cho giai đoạn tới, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thực hiện Nghị quyết 76/2014/NQ-QH 13 về việc “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020”, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu giúp Chính phủ rà soát các chương trình, chính sách giảm nghèo hiện có, xây dựng xong Đề án giảm nghèo đa chiều, và đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo mới, với hai mức chuẩn dự kiến: Khu vực nông thôn, bình quân 1 người/tháng có thu nhập 700.000 đồng; khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng, ở dưới mức đó là thuộc diện hộ nghèo sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ có điều kiện của Chính phủ, để tự lực vươn lên thoát nghèo.

Trẻ em vùng dân tộc miền núi đã được quan tâm nhiều hơn

Trước những ý kiến băn khoăn của đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh ngân sách khó khăn nguồn lực sẽ được bố trí như như thế nào, để đảm bảo việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn tới?, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ vẫn quyết tâm ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo, giảm hộ cận nghèo bằng nhiều nhóm giải pháp. “Sau khi được sự tham mưu của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất cho phép thực hiện Đề án về Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo 2016-2020  với cách làm mới, hướng tới hiệu quả, thiết thực hơn, không dàn trải, giảm chính sách cho không, tăng chính sách hỗ trợ tín dụng cho vay ưu đãi có điều kiện, thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, cấp thẻ bảo hiểm y tế…”-Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Hộ nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội phát triển kinh tế hộ gia đình

Cũng theo Bộ trưởng, thực hiện chương trình này, ngoài các huyện nghèo  nằm trong Nghị quyết 30a, với các huyện có tỷ lệ nghèo còn cao, hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, sẽ được xem xét hưởng 70% đầu tư cơ sở hạ tầng như nhóm chính sách ưu đãi huyện nghèo 30a. Sau khi Chính phủ đã chỉ đạo khi công bố chuẩn nghèo của giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá hộ nghèo, dự kiến nguồn lực cân đối ngân sách dành cho giảm nghèo 2016-2020, sẽ khoảng 41.000 tỷ đồng. Chính phủ đã xác định đây là mục tiêu không thể cắt giảm, vì vậy dù khó khăn vẫn sẽ tiếp tục bố trí tìm nguồn lực, dành để thực hiện…

Đối với những vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tiếp tục được thực hiện chính sách như Nghị quyết 30a, và có thêm 300 xã đặc biệt khó khăn, 2.300 xã và thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc được thủ hưởng đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào ở vùng dân tộc, nơi có rừng thì nâng mức hỗ trợ trồng, khoanh, nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng để tạo điều kiện những người dân có thể yên tâm sống bằng nghề rừng, bảo vệ, phát triển rừng.

Mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, đẩy mạnh dạy nghề

Cũng tại phiên thảo luận tình hình kinh tế-xã hội, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến lộ trình mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội. Theo báo cáo của các địa phương đến tháng 8/2015, ngoài bảo hiểm bắt buộc thì bảo hiểm tự nguyện tăng 17,2%, phấn đấu đến năm 2020 khoảng 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, cùng với việc vận động các đối tượngtham gia bảo hiểm tự nguyện…Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin.

Khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về lộ trình triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp,  các  văn bản thông tư, nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015, đến thời điểm Luật có hiệu lực, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, 2 Quyết định và 12 Thông tư hướng dẫn, một số thông tư sẽ tiếp tục hoàn thiện ban hành trong thời gian tới, đảm bảo Luật đi vào cuộc sống. “ Khi thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT. Hiện hai Bộ đang phối hợp chặt chẽ , trong tháng 11 này sẽ xong tất cả các văn bản hướng dẫn Quốc hội giao….”-Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.  

Học nghề sửa chữa điện thoại di động

Cũng theo Bộ trưởng năm 2013 Quốc hội đã giao Chính phủ quy hoạch lĩnh vực dạy nghề, chuẩn bị Luật Giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch này bao gồm cả cao đẳng và trung cấp nghề chuyên nghiệp. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục hoàn thiện, nên lộ trình hướng dẫn văn bản thực hiện có chậm một chút, nhưng đảm bảo khi ban hành, Luật đi vào cuộc sống, địa phương cơ sở áp dụng được ngay.

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện mới đạt 51,6%, chưa đạt kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực gồm nhiều bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm cùng triển khai thực hiện. Hiện nay, đào tạo nghề nông nghiệp, Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT, đào tạo nghề phi nông nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm. Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn, đã có chuyển biến mạnh, sau năm 2015 sẽ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đưa lao động làm nông nghiệp sang phi nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, rất cần các địa phương thúc đẩy, phân cấp thực hiện, tăng cường giám sát các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ…

Thanh niên nông thôn tỉnh Gia Lai học nghề hàn

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội (đoàn TP. Hồ Chí Minh) hỏi có tiếp tục thực hiện Nghị quyết 77 của Quốc hội đưa người nghiện ma túy vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để cắt cơn giải độc theo quy định về Luật Xử phạt vi phạm hành chính,Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo tổng kết sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 10/2015. Sau đó, Chính phủ đồng ý báo cáo Quốc hội cho kéo dài thực hiện Nghị quyết này để đưa đối tượng này vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội, giúp người nghiện sau cắt cơn, được học nghề trở về tái hòa nhập cộng đồng…

Thanh Phúc/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh