THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:14

Quan tâm hơn nữa việc trao quyền cho cộng đồng trong công tác giảm nghèo

 

Tại đây, Văn phòng Giảm nghèo Quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng với các Bộ, ngành liên quan, và đại diện các Đối tác phát triển  như UNDP, Ban phát triển Đại sứ quán Cộng hòa Ai-Len tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới trao đổi, chia sẻ, thảo luận một số nội dung cơ bản liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

 Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại buổi trao đổi, chia sẻ về chủ trương đầu tư CTQGGN bền vững giai đoạn 2016- 2020

 Giảm nghèo theo hướng tập trung

Trong những năm qua, các Đối tác Phát triển (ĐTPT) đã dành hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam để thực hiện công cuộc giảm nghèo, trong đó tập trung hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các nhóm yếu thế và người dân tộc thiểu số (DTTS). Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Mục tiêu của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016- 2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh…)

Góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1- 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016- 2020, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, được thực hiện trên cả nước, trong đó ưu tiên tập trung các huyện nghèo, xã nghèo, vùng DTTS, thôn bản đặc biệt khó khăn. “Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình trong 5 năm tới là khoảng 42.800 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 12.800 tỷ đồng và chủ yếu là từ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, Thứ trưởng nêu rõ.



Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công giảm nghèo, tuy nhiên, tỷ lệ có nguy cơ tái nghèo cao (chiếm trên 35%) khiến cho công tác giảm nghèo bền vững gặp rất nhiều thách thức. Trước thực tế này, Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo khẳng định, tiếp cận giảm nghèo đa chiều đang được xem là phương pháp để Việt Nam tiến hành giảm nghèo bền vững. Đồng thời, ông Thi khẳng định giai đoạn 2016- 2020, đưa ra cách đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, chính sách giảm nghèo giai đoạn tới nên phát huy vai trò của toàn cộng đồng, khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo, hạn chế các chính sách cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, có thời hạn. Đại diện các Bộ, ngành thẳng thắn trao đổi, chia sẻ trong thời gian tới, cần để các địa phương tự sáng tạo trong cách thực hiện, để ngân sách rót xuống được đảm bảo thực hiện giảm nghèo hiệu quả, thiết thực. 

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng- Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo: "Tiếp cận giảm nghèo đa chiều đang được xem là phương pháp để Việt Nam tiến hành giảm nghèo bền vững"

 

Đầu tư trọng điểm

Tại hội thảo, các đối tác quan tâm, chú trọng đến giảm nghèo ở vùng DTTS. Tốc độ giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi đến nay chưa đồng đều và chưa bền vững. Để giảm nghèo bền vững, nhất là các vùng trọng điểm, điểm mới trong CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân cả nước trong quá trình thực hiện.

Sau khi lắng nghe, bà Fiona Quinn, Phó Trưởng ban Phát triển của Đại sứ quán Ireland đánh giá cao với Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 của VN. Theo bà, giải quyết vấn đề nghèo ở vùng DTTS là một vấn đề phức tạp và tạo gánh nặng đối ngân sách quốc gia và nguồn lực dành cho Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội. Do vậy, cơ chế phân bổ ngân sách linh hoạt, huy động và tổng hợp nguồn lực đóng góp từ cộng đồng và lĩnh vực tư nhân... có thể là một giải pháp để bổ sung cho nguồn lực hạn chế hiện nay.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP đánh giá cao với Kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 của VN

Về phía bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP bày tỏ: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực to lớn và sự quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, đươc thể hiện thông qua Nghị quyết 80 và Nghị quyết 76, nhằm tiếp tục thực hiện và ưu tiên CTMTQG để huy động được nguồn lực phát triển các vùng nghèo nhất và vùng DTTS, từ đó giải quyết vấn đề căn nguyên của nghèo đa chiều…

Tất cả các nỗ lực này có thể được xem là các tiến bộ tích cực để đảm bảo giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. Với cương vị là Đối tác Phát triển của Việt Nam, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho các nỗ lực giảm nghèo DTTS; đồng thời tin tưởng rằng điều này sẽ giúp đem lại tác động trực tiếp đối với sinh kế và điều kiện sống của người DTTS, dù là nam giới, phụ nữ hay trẻ em”. 

Đồng thời, bà cũng đề xuất các khuyến nghị như cần quan tâm hơn nữa sự tham gia của người dân và trao quyền cho cộng đồng vì họ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các nỗ lực giảm nghèo. Thêm nữa, cũng “cần đảm bảo lồng ghép yếu tố DTTS và vấn đề giới trong thiết kế của CTMTQG”, bà Louise Chamberlain phân tích.

 “Chúng tôi hi vọng các khuyến nghị này sẽ có ích đối với việc xây dựng tổng thể và thiết kế các CTMTQG này. Các Đối tác Phát triển của Nhóm công tác Giảm nghèo DTTS sẽ tiếp tục tham gia và hỗ trợ về kỹ thuật để đảm bảo việc thiết kế hiệu quả và có sự điều phối của các CTMTQG trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Quốc gia về Giảm nghèo, Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc… cùng các bộ ngành liên quan”,bà Louise Chamberlain khẳng định.

Bền vững và thực chất - mục tiêu này nếu làm được sẽ giúp cho người dân thực sự nhận được thứ mà họ cần, chứ không chỉ là thứ mà chính sách có. Và khi đó, sẽ có nhiều người thay vì khư khư giữ lấy cái nghèo sẽ phấn đấu để thoát nghèo. Và với hình thức giảm nghèo đa chiều, đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn ai sống dưới mức sống tối thiểu.

Thanh Nhung / Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh