THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 09:04

TPHCM: Nhiều học sinh đỗ lớp 10 nhưng không nhập học

 

Thời hạn nộp hồ sơ vào lớp 10 công lập ở TPHCM kết thúc vào ngày 23/7 nhưng số lượng học sinh đến làm thủ tục nhập học tại nhiều trường THPT vùng ven, ngoại thành rất khiêm tốn. Nhiều trường buộc phải nới thêm thời gian đón học sinh mà vẫn không mấy khả quan.

Tại một số Trường THPT khu vực ngoại thành ở TPHCM như Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi… tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 nhưng không đến nộp hồ sơ nhập học lên đến 1/3, tập trung vào đối tượng các em trúng tuyển theo diện nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.

Tại huyện Bình Chánh, Trường THPT Tân Túc có gần 680 học sinh đỗ vào trường nhưng còn trên 160 em chưa nhập học đến thời điểm ngày 23/7. Trường linh hoạt kéo dài thời gian đón học sinh nhưng cũng chỉ lác đác thêm vài ba em đến nộp hồ sơ. Rồi Trường THPT Vĩnh Lộc B còn trên 200 trong tổng 700 học sinh chưa nhập học, Trường THPT Đa Phước chỉ nhận được trên 300 hồ sơ trong tổng hơn 500 học sinh trúng tuyển.

 

Kỳ thi vào lớp 10 ở TPHCM được xem là cuộc đua căng thẳng để tìm một suất học ở trường THPT công lập
Kỳ thi vào lớp 10 ở TPHCM được xem là cuộc đua căng thẳng để tìm một suất học ở trường THPT công lập.

 

THPT khác như Phước Kiển (Nhà Bè), Nguyễn Văn Tăng (Q.9) và nhiều trường khác ở Củ Chi, Cần Giờ… tỷ lệ học sinh chưa đến nộ hồ sơ cũng rất cao, có nơi lên đến gần 1/3 tổng số học sinh trúng tuyển không đến trường nộp hồ sơ.

Các trường “hẻo” học sinh đến nhập học có điểm chuẩn vào trường ở mức thấp. Như Trường THPT Phước Kiển (Nhà Bè) điểm chuẩn cho cả ba nguyện vọng cùng ở mức 13,5; Trường Nguyễn Văn Tăng (Q.9) điểm chuẩn các nguyện vọng giao động từ 17,5 đến 19,25; Trường Tân Túc 18,75 – 19,75…

Theo hiệu trưởng của các trường đang “ngóng” học sin, số học sinh đăng ký nguyện vọng 2,3 vào trường cao, trong khi số lượng đăng ký theo nguyện vọng 1 vào trường thấp hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh. Có thể, cho dù đăng ký nguyện vọng 2,3 nhưng học ở trường có thể không phải là ưu tiên lựa chọn của các em sau khi tốt nghiệp THCS. Chưa kể, nhiều em đăng ký vào trường lại nằm ở các địa bàn rất xa, nằm trong các quận trung tâm cách hàng chục cây số rất khó khăn cho việc đi học.

Việc thiếu học sinh theo chỉ tiêu gây ra rất nhiều khó khăn và sự lãng phí cho các trường. Khi xây dựng chỉ tiêu, các trường dựa trên điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên. Giờ số lượng học sinh nhập ít sẽ dẫn đến tình trạng thừa giáo viên, thừa phòng học. Như trường hợp Trường THPT Nguyễn Văn Tăng khánh thành đưa vào sử dụng từ năm học 2013 – 2014 với 43 phòng học khang trang nhưng năm học đông học sinh nhất cũng chỉ dùng 26 phòng (sử dụng chỉ khoảng 60%), còn lại để không.

Trong tình trạng TPHCM đang thiếu trường thiếu lớp, nhiều học sinh rớt trường công phải bỏ dở việc học, phải học trường tư… thì việc “dư giả” phòng học của các trường như thế này là một sự lãng phí.

Cuộc thi vào lớp 10 ở TPHCM từ lâu được xem là một cuộc đua căng thẳng để các em học sinh tìm được một suất học ở trường công lập. Vậy nhưng lại diễn ra nghịch lý, nhiều học sinh đỗ vào trường lại không nhập học, trong khi nhiều học sinh khác lại rớt khỏi chiếc ghế trường công. Theo một hiệu trưởng ở quận 9, điều này cho thấy công tác tư vấn học sinh chọn trường còn nhiều bất cập. Các em đăng ký nguyện vọng vào trường cách nhà xa hàng chục cây số nên đỗ cũng chẳng học; rồi việc học sinh đăng ký nhưng lại không có nguyện vọng, điều kiện theo học ở chính trường mình đã chọn…

Theo quy định của Sở GD-ĐT TPHCM, thời hạn cuối để học sinh nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 là ngày 23/7. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, các trường có thể linh hoạt kéo dài thời gian nhận hồ sơ bổ sung để đón học sinh. Về tình hình nhiều trường “đói” học sinh, sau khi nắm được số lượng hồ sơ từ các trường báo cáo, Sở sẽ tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra những giải pháp phù hợp để khắc phục.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh