THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:02

TP.HCM - Nơi không còn người nghèo

27 NĂM MỘT “CUỘC CHIẾN” ĐẦY GIAN NAN

Năm 1992, Chương trình xóa đói giảm nghèo do TP.HCM khởi xướng bắt đầu được triển khai trên địa bàn thành phố trước khi trở thành một trong những chương trình mục tiêu quan trọng được thực hiện trên phạm vi cả nước. Trong 27 năm qua, dù dưới bất cứ tên gọi nào, thì chương trình vẫn “trung thành” với một mục tiêu: Hướng tới một thành phố không còn người nghèo!

Xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành tựu lớn nhất của TP.HCM trong 44 năm qua

Kết thúc năm 2018, công tác giảm nghèo của thành phố đã đạt mốc quan trọng khi trong giai đoạn 2016-2018 có hơn 59.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và hơn 58.300 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo. Như vậy, TP.HCM đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 2 năm. 

Nhớ lại những năm đầu sau giải phóng, TP.HCM được coi là một đô thị năng động, có nhiều người giàu. Nhưng cùng lúc, số lượng người nghèo cũng rất đông đảo. Cả triệu người nghèo hồi ấy thường sống ở những khu nhà ổ chuột xập xệ cất dựng tạm bợ ở những vùng ven kênh rạch hay những “xóm nhà lá” rải rác nhiều nơi, có những điểm tồn tại ngay giữa trung tâm thành phố - như khu Mả Lạng ở quận 1. Cùng với đó là tình trạng tệ nạn hoành hành khiến cho đời sống người dân trở nên bất an, bộ mặt đô thị nhếch nhác, thiếu văn minh.

Chính vì thế mà ngay những năm đầu thập niên 80, khi điều kiện kinh tế còn cực kỳ khó khăn, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã có chủ trương và tổ chức nhiều cuộc vận động chăm lo cuộc sống cho tầng lớp dân cư nghèo - theo đánh giá lúc bấy giờ số hộ nghèo chiếm khoảng 25% tổng số hộ trên địa bàn thành phố.

Đó chính là phong trào mang tính tiền đề để những năm sau chính thức trở thành “Chương trình xóa đói giảm nghèo” – càng ngày càng được xác định là một mục tiêu quan trọng trong các nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố suốt từ đó đến nay. 

Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Những năm đầu, căn cứ vào nguồn lực còn hạn chế, nên thành phố đặt ra những mục tiêu khá khiêm tốn, cụ thể là phấn đấu đến năm 1995 trên địa bàn thành phố không còn hộ thiếu đói. Nhưng sau khi gặt hái thành công vang dội, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội thành phố trong giai đoạn bắt đầu Đổi mới, thì thành phố quyết định hướng tới những mục tiêu cao hơn. Đến đầu thập niên 2000, mục tiêu mà thành phố đặt ra là không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn phân loại riêng của mình (tiêu chuẩn phân loại ngưỡng nghèo đối với người dân thuộc 12 quận nội thành: có mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/năm hoặc 250.000 đồng/tháng/người và đối với các huyện ngoại thành và 5 quận mới là 2,5 triệu đồng/năm/người hoặc 200.000 đồng/tháng/người. Tiêu chuẩn này cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia đối với người dân thành thị với con số tương ứng là l,8 triệu đồng và 150.000 đồng).

Cũng từ đó, chuẩn nghèo của thành phố đã liên tục được điều chỉnh ngày một cao hơn, trong khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn tiếp tục giảm mạnh.

NHỮNG BÀI HỌC BỔ ÍCH ĐỂ HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CAO HƠN

Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, những thành tựu trong công tác giảm nghèo ở TP.HCM là kết quả tổng hợp của nhiều chính sách, giải pháp, biện pháp đồng bộ, trong đó có sự gắn kết các mục tiêu xã hội trong các chính sách, giải pháp và biện pháp kinh tế.

Nhiều mô hình hay giúp giảm nghèo bền vững đã được thành phố sáng tạo và áp dụng thành công

Trong đó, điểm nổi bật mà thành phố đã thực hiện là xóa đói giảm nghèo chủ yếu bằng con đường tạo việc làm cho người nghèo thông qua 2 nhóm giải pháp chính: cấp tín dụng ưu đãi để hộ nghèo có điều kiện tự tổ chức việc làm cho mình, hỗ trợ người sản xuất nhỏ đầu tư mở rộng sản xuất thu hút lao động; thúc đẩy việc đào tạo nghề nghiệp cho người lao động nhằm tăng cơ hội kiếm việc làm thông qua chính sách miễn giảm học phí đào tạo tại các trung tâm đào tạo nghề.

Hai nhóm giải pháp trên, chính là sử dụng giải pháp kinh tế để giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời cũng là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thành phố cũng đã huy động toàn xã hội và hệ thống chính trị tham gia chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Trong đó các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng cho chương trình xóa đói giàm nghèo.

Theo thống kê từ 1992 đến 2015, thành phố đã huy động được 7.136.218 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho hàng triệu hộ nghèo, cận nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo, trong đó nguồn vốn chính là từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho trên 510.000 lao động là con em hộ nghèo, cận nghèo có việc làm và thu nhập ổn định. Các doanh nghiệp còn thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình tài trợ khác cho hộ nghèo và cận nghèo như chương trình học bổng, chương nhà tình thương…để hộ nghèo và cận nghèo vươn lên trong cuộc sống mới. 

Đến giai đoạn 2014-2015  toàn thành phố chỉ còn 1,03% hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân dưới 16 triệu đồng/người/năm, 2,64%  hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân từ 16 đến 21 triệu đồng người/năm. Đến năm 2016, TP.HCM đã có 12/24 quận, huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho hay 2016-2020 là giai đoạn thành phố thực hiện giảm nghèo bền vững, sử dụng song song giữa phương pháp đo lường nghèo theo thu nhập và năm chiều xã hội: giáo dục, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin.

Qua các hoạt động thực tiễn, nhiều mô hình hay trong công tác xóa đói giảm nghèo đã được sáng tạo và phát huy tác dụng. Ví dụ, trên địa bàn thành phố hiện có 3.200 tổ tự quản giảm nghèo bền vững, mỗi tổ quản lý trung bình 30-40 hộ dân. Tổ trưởng, tổ phó của những tổ tự quản giảm nghèo bền vững này từng nằm trong chương trình xóa đói giảm nghèo của những năm trước đó, giờ quay lại truyền đạt cách làm ăn, cách quản lý vốn cho người nghèo.

Khung cảnh khang trang, tươi đẹp bên các tuyến kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm là minh chứng cho những thay đổi quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội TP.HCM thời gian qua

Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội cũng được phát huy mạnh mẽ. Ủy ban MTTQ thành phố luôn có những cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, thiết thực như: Tổ chức các hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; hội nghị hướng nghiệp cho các em học sinh, sinh viên nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ để định hướng được ngành nghề, công việc phù hợp với khả năng, trình độ của mình; tổ chức trao tặng phương tiện sinh kế (máy may công nghiệp, máy làm nhang, xe Honda, vỏ lãi, lưới đánh cá,…) cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo;... 

Về vấn đề nhà ở, thành phố chủ trương xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, cơi nới thêm diện tích ở để bảo đảm điều kiện sống cũng như hỗ trợ tiền điện, nước, cung cấp nước sạch cho các hộ nghèo. Về tiếp cận thông tin, thành phố hỗ trợ thêm máy vi tính, điện thoại, Internet cho người dân... nhằm xóa đói thông tin cho người nghèo.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao và thực chất trong công tác xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên lãnh đạo TP.HCM vẫn nhìn nhận thời gian tới sẽ có không ít thách thức mới trong công tác giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, thành phố chuẩn bị kết thúc giảm nghèo giai đoạn 5, với số lượng hộ nghèo chỉ còn khoảng 5.000 hộ. Song, bước sang giai đoạn 6 (2019-2020), thành phố dự kiến lại có tới… 100.000 hộ nghèo, cận nghèo (5%). “Trong giai đoạn 2019-2020, thành phố tiếp tục nâng chuẩn nghèo với mức thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm là hộ nghèo; thu nhập 28-36 triệu đồng/người/năm là hộ cận nghèo. Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn cho cả thành phố lần các hộ nghèo và cận nghèo” - ông Tấn cho biết.

Tự đặt ra cho mình những thách thức để không ngừng phấn đấu vượt qua, đó là một trong những “bí quyết” mà TP.HCM đã áp dụng trong suốt mấy chục năm qua trong nỗ lực biến thành phố trở thành nơi không còn người nghèo.

KHÁNH KHUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh