TP. Hồ Chí Minh tổ chức thi tay nghề năm 2019
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:12 - 05/12/2019
Nhằm phát triển, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động tay nghề cao, phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ trẻ có kỹ năng nghề đỉnh cao và xuất sắc; có khả năng thích ứng nhanh trong thời đại công nghiệp 4.0; trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập Quốc tế về công nghệ, giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời qua hội thi tay nghề, tuyển chọn các thí sinh đạt thành tích cao tại kỳ thi tay nghề TP. Hồ Chí Minh năm 2019 để tham dự Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội dự kiến vào tháng 3 năm 2020, tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 13 diễn ra tại Singapore dự kiến diễn ra trong tháng 7 năm 2020 và Kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 46 diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc dự kiến vào cuối tháng 9 năm 2019.
Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Kỳ thi tay nghề từ ngày 15/12 đến ngày 21/12 (riêng nghề chăm sóc sắc đẹp sẽ tổ chức vào ngày 05/12/2019).
Bên cạnh đó, Kỳ thi tay nghề TP. Hồ Chí Minh năm nay sẽ được tổ chức tại 06 Hội đồng thi gồm: Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố, Trường Cao đẳng xây dựng, Trường trung cấp nghề Hùng Vương, Trường Cao đẳng nghề số 7-BQP, Trường trung cấp du lịch và khách sạn SaigonTourist, Trung tâm dạy nghề Tokyo Beauty Art.
Cụ thể, có 27 ngành nghề tham dự cuộc thi tay nghề năm 2019 gồm: Lắp đặt điện, điện tử, công nghệ thời trang, thiết kế đồ họa, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, thiết kế kỹ thuật cơ khí, công nghệ Web, sơn ô tô, phay và tiện CNC, ốp lát tường và sàn, xây gạch, bảo trì máy CNC, tự động hóa công nghiệp, lắp cáp mạng thông tin, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, cơ điện tử, robot di động, điện lạnh, thiết kế các kiểu tóc, công nghệ ô tô, hàn, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn và chăm sóc sắc đẹp.
Thông qua các kỳ thi tay nghề sẽ chuẩn hóa chất lượng lượng lao động
ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: "Công tác đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã đạt được một số kết quả nhất định như: đã xây dựng và ban hành được 191 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; biên soạn được ngân hàng đề thi cho 82 nghề; cấp giấy chứng nhận cho 41 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề phân bố tại các vùng miền trọng điểm trên toàn quốc; đã tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho gần 50 nghìn người lao động trong cả nước và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho hơn 38 nghìn lao động".
Chia sẻ với phóng viên báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân Sinh), ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết: " Tại các kỳ thi tay nghề sẽ đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao động. Người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia. Thiết lập khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia là bước quan trọng trong việc chuẩn hóa chất lượng lượng lao động; giải quyết những thách thức về công nhận trình độ kỹ năng nghề của người lao động tại mỗi quốc gia".
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, để công tác đánh giá Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia đạt hiệu quả trong thời gian tới cần đề xuất quy định khung năng lực Quốc gia và doanh nghiệp phải công nhận kỹ năng nghề Quốc gia cho người lao động được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia trong Bộ Luật lao động sửa đổi, bổ sung cũng như liên quan luật khác làm cơ sở để chuẩn hóa và thông kê chất lượng nguồn lực lao động quốc gia, từ đó thúc đẩy việc tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh ở các cấp độ doanh nghiệp, ngành và Quốc gia.
Được biết, Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam hiện có năm bậc trình độ kỹ năng nghề. Số lượng bậc trình độ kỹ năng nghề phụ thuộc vào mức độ phức tạp của từng nghề. Vì vậy, có nghề đủ năm bậc trình độ kỹ năng nghề nhưng cũng có nghề chỉ có một hoặc có hai hoặc ba hoặc bốn bậc trình độ kỹ năng nghề.
Một số hợp tác Quốc tế về phát triển Kỳ năng nghề và phát triển hợp tác đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia hiện nay.
Hợp tác với chính phủ Nhật Bản về thí điểm đánh giá kỹ năng nghề ở một số nghề theo tiêu chuẩn của Nhật Bản (SESPP);
Hợp tác với Đan Mạch, tổ chức GIZ (Đức) v.v… về hệ thống và thí điểm một số mô hình khác;
Hợp tác chính phủ Úc về thí điểm phát triển mô hình Hội đồng ngành (Industry Skills Board) đến 2020;
Hợp tác với ILO phát triển hành lang pháp lý (sửa đổi Luật LĐ), ngân hàng đề thi và thí điểm phát triển mô hình Hội đồng ngành (Sector Skills Council).