CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:51

Thanh Hoá: Nhiều nỗ lực giúp người dân xoá đói, giảm nghèo bền vững

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành các quyết định giao chỉ tiêu giảm nghèo (số hộ) và chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các huyện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị thực hiện. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã giảm 47.135 hộ nghèo (từ 12.893 hộ xuống còn 81.758 hộ); tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,08% (từ 13,51% xuống 8,43%), bình quân giảm 2,54%/năm (vượt chỉ tiêu giảm 2,5%/năm. Riêng 7 huyện nghèo giảm 9,28% (từ 33,90% xuống 24,62%). Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của số hộ nghèo đạt khoảng 1,26 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,84 lần cuối năm 2015 (khoảng 685.000 đồng/người/tháng). Ngoài vượt chỉ tiêu về giảm nghèo, Thanh Hoá cũng đã có nhiều nỗ lực giúp người nghèo nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể, tình trạng đi học của trẻ (hộ có ít nhất 1 thành viên từ 5 tuổi đến dưới 15 tuổi không đi học) giảm 4.202 em; hộ cận nghèo mua thẻ BHYT đạt 329.822 người (chiếm 81,16%); số hộ đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ giảm 16.998 hộ; số hộ chưa được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh giảm 13.869 hộ; số hộ không có tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông (tivi, radio, máy tính…) giảm 10.587 hộ. Tính chung, mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo giảm từ 2,3 xuống 2,2 chỉ tiêu/hộ. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, đã có 400.881 lượt học sinh được miễn, giảm học phí với tổng kinh phí thực hiện là 54.937 triệu đồng; 56.538 lượt học sinh với kinh phí thực hiện là 273.249 triệu đồng và 4.976 tấn gạo. Năm 2016 và 2017 cấp 538.638 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo (đạt 100% tỷ lệ hộ nghèo được cấp thẻ BHYT); cấp 257.049 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Riêng năm 2018 cấp 190.253 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo; 114.219 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; 194.504 người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn và 400.302 người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn.

Mô hình trồng cam giúp gia đình anh Lê Minh Hải ở xã Xuân Hoà làm giàu 

Với những nỗ lực không ngừng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh Thanh Hoá đã có 4.191 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi làm nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn 2; 1.574 hộ được hỗ trợ làm nhà ở phòng tránh bão lụt. Ngoài ra, Quỹ vì người nghèo đã hỗ trợ làm mới 1.205 nhà, sửa chữa 120 nhà ở “Đại đoàn kết” với tổng kinh phí 68.192 triệu đồng… Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã hỗ trợ, nâng cấp công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ xây mới và nâng cấp công trình cấp nước hộ gia đình cho 14.654 hộ nghèo.

Để hộ nghèo trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thông mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành nhiều cơ chế chính sách. Thông qua nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã có 54.437 lượt hộ nghèo, cận nghèo được phát triển sản xuất (Chương trình 30a là 35.272 hộ, Chương trình 135 là 19.165 hộ). Với việc hỗ trợ trâu, bò sinh sản, dê, con giống lợn, gia cầm; hỗ trợ sản xuất lúa, ngô, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…

Mô hình chăn nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã hỗ trợ thực hiện 115 mô hình hỗ trợ sản xuất và 22 mô hình giảm nghèo. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã xây dựng, thực hiện gần 50 mô hình phát triển sản xuất giảm nghèo cho trên 2.000 hội viên với kinh phí hỗ trợ trên 15 tỷ đồng, tiêu biểu như mô hình: Nuôi trâu, bò, lợn rừng, lợn cỏ sinh sản; mô hình trồng cam V2, bưởi diễn, bí xanh... Anh Lê Minh Hải, xã Xuân Hoà (Như Xuân, Thanh Hoá), một trong những hộ thành công với mô hình trang trại, chăn nuôi chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện khó khăn của xã, được tiếp cận mô hình trang trại trồng cam, chăn nuôi phát triển kinh tế, gia đình tôi đã mạnh dạn vay mượn đầu tư đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu. Với diện tích 15ha trồng các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, chanh đào… kết hợp với chăn nuôi lợn rừng, hàng năm gia đình thu nhập khoảng trên 700 triệu đồng. Thời gian tới gia đình tôi sẽ xây dựng thương hiệu riêng để đưa sản phẩm chất lượng tới các cửa hàng siêu thị, phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh”.

Hiệu quả từ các mô hình phát triển sản xuất kinh tế, giảm nghèo đã được các cấp địa phương của tỉnh Thanh Hoá nhân rộng và ngày càng có hiệu quả. Các hộ tham gia đều được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, đã có 1.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các dự án, mô hình. Thu nhập các hộ tăng bình quân từ 1,8 đến 2,0 lần so với năm 2015; bình quân hàng năm có khoảng 15% hộ gia đình tham gia dự án, mô hình thoát nghèo. Thông qua các mô hình giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hoá đã đào tạo nghề cho 143.860 lao động (2016: 69.400 người, năm 2017: 74.460 người). Trong đó có trên 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, 2.680 lao động là người dân tộ thiểu số được đào tạo trình độ sơ cấp nghề trở lên. Trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã huy động khoảng 16.513 tỷ đồng.

Có thể nói Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã được tỉnh Thanh Hoá thực hiện có hiệu quả, giúp người dân trên địa bàn không chỉ giảm nghèo nhanh và bền vững mà còn vươn lên làm giàu. Kết quả giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn từ năm 2016 đến nay sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh Thanh Hoá thực hiện tốt mục tiêu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 1,01%.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh