TP. Hồ Chí Minh: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng
- Bài thuốc hay
- 17:03 - 10/11/2019
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, bình quân hàng năm Thành phố giải quyết việc làm 295.805 lượt lao động, số việc làm mới là 124.249 chỗ. Tỷ lệ thất nghiệp giảm lần lượt từ năm 2016: 4,4%; dự ước năm 2019: 3,7%; 2020: dưới 3,7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa X giao.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ chí Minh đã giới thiệu việc làm 127.867/155.000 lượt người (đạt 82,49% kế hoạch năm); Nhận việc làm 72.252/87.000 người đạt (đạt 82,05% kế hoạch năm). Số bộ đội xuất ngũ nhận được việc làm tính đến hết tháng 8 là 480 người.
Thu thập thông tin cung lao động tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học các Trường nghề và lao động tự do có nhu cầu tìm kiếm việc làm; gắn kết phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, ban chỉ huy quân sự các quận huyện thu thập thông tin bộ đội xuất ngũ, khu chế xuất khu công nghiệp, thông tin về cầu lao động trên địa bàn, kết nối cung cầu lao động giúp người lao động tìm kiếm việc làm.
Hiện nay, lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thành phố, nhu cầu của xã hội; vẫn còn tình trạng thiếu lao động tại một số thời điểm, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực ngành nghề trọng yếu; Năng lực phân tích dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động vẫn còn hạn chế, chưa toàn diện. Nguyên nhân chính là do nguồn cơ sở dữ liệu phân tán, khó thu thập, từ đó xử lý chưa đồng bộ và toàn diện, nhất là dự báo dài hạn; một số chính sách liên quan đến hỗ trợ lao động dịch chuyển chưa cụ thể.
Để giải quyết khó khăn bước đầu về nguồn lao động chất lượng, trong thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh luôn tư vấn cho người lao động đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn nghề học phù hợp nhu cầu; Đào tạo và liên kết các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Thành phố đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp, cố gắng đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động.
Tiến hành rà soát các nội quy, quy chế, chương trình đào tạo các bộ môn. Xây dựng kế hoạch tiến độ đào tạo, lịch khai giảng các khóa, kế hoạch chiêu sinh, thời khóa biểu học lý thuyết, thực hành, kiểm tra giáo trình, giáo án, phân xe các khóa tại Trung tâm.
Từ đầu năm 2019 đến nay Trung tâm đã đào tạo nghề lái xe B2: 900/1.200 học viên (đạt 75% kế hoạch năm); Tin học 920/1.100 học viên đạt 83, 64% kế hoạch năm (tin học ứng dụng 430 học viên, thiết kế đồ họa 490 học viên); Nghiệp vụ bán hàng: 2.525/2.500 học viên (đạt 101% kế hoạch năm).
Ngoài ra, Trung tâm còn đào tạo học viên Tiếng Hàn trong giao tiếp, Tiếng Anh giao tiếp trong bán hàng… cho người lao động có nhu cầu.
"Để TP. Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, kiến nghị Chính phủ, Bô Lao động -Thương binh và Xã hội tăng cường đầu tư xây dựng các trường chất lượng cao và các trường công lập được quy hoạch nghề trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy các trường này đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngang với các trường trong khu vực và quốc tế; giao quyền chủ động cho Thành phố trong phân bố và triển khai thực hiện kinh phí Chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm giai đoạn 2020 - 2025 với các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động", ông Tấn nói.