THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:36

TP. Hồ Chí Minh: Nếu không tháo điểm nghẽn sẽ có doanh nghiệp BĐS phá sản

Theo thống kê của HoREA, hiện nay toàn nước ta có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản nhưng phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô trung bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ bất động sản và mới chỉ có 65 doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại, bị ách tắc, sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và do "độ trễ" nên sẽ còn tác động tiêu cực trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản; người dân khó tạo lập nhà ở do giá nhà có xu thế tăng mạnh. Trước tình trạng khối doanh nghiệp bất động sản đang phải đương đầu với nhiều thách thức, rủi ro, cần được tháo gỡ các rào cản để phát triển lành mạnh và bền vững.

Thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2019, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô "vừa và nhỏ", nhưng có 1 dự án đại đô thị tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ, tỷ lệ 63%, chiếm vị thế áp đảo trên thị trường.

HoREA cho rằng tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng do "tổng cầu" quá lớn nhưng nguồn cung ít, đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Hiệp hội nhận nhận thấy thị trường bất động sản thành phố hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011 - 2013.

TP. Hồ Chí Minh: Nếu không tháo điểm nghẽn sẽ có doanh nghiệp BĐS phá sản - Ảnh 2.

Nếu không sớm tháo điểm nghẽn sẽ có nhiều doanh nghiệp BĐS đứng trên bờ vực phá sản.

Để tạo môi trường kinh doanh đảm bảo tính minh bạch, nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, trong đó có lĩnh vực bất động sản, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ.

Đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tôi đánh giá cao việc sửa đổi, đặc biệt tích hợp một số quy trình vào làm một. Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang khó khăn, không phải do doanh nghiệp, không phải người tiêu dùng, mà khó khăn là do cơ chế, chính sách. Khâu thấu hiểu, thực thi pháp luật là vấn đề rất lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Đã có những dự án bị dừng vì chồng chéo luật. Theo tổng hợp có 170 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc về quy định pháp luật (trong đó có 120 dự án vướng do liên quan đến đất hỗn hợp).

Để làm một dự án, doanh nghiệp mất 5 năm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 2 năm tổng cộng tất cả là 10 năm. Chưa có doanh thu, áp lực tài chính lớn... chính vì vậy chính sách nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp".

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh