TP. Hồ Chí Minh: Cần khoảng 5.000 tấn thịt heo trong dịp tết Canh tý 2020
- Tây Y
- 14:28 - 21/10/2019
Theo đó, trước tình trạng nguồn cung thịt heo giảm, giá tăng, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các đơn vị cung cấp có kế hoạch nhập khẩu thịt heo. Cụ thể, Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan) dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày và sẽ nhập khẩu thêm nếu có biến động lớn. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn sẽ cho xuất chuồng heo dưới tuổi, loại từ 80 - 100 kg/con.
Bên cạnh đó, một số đơn vị khác cũng đảm bảo cung ứng thịt heo. Đồng thời, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường ngoài dự trữ thịt heo còn dự trữ thêm thịt gia cầm để trong trường hợp người dân có nhu cầu chuyển từ thịt heo sang sử dụng thịt gia cầm thì vẫn đảm bảo lượng cung ứng.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông khẳng định, hiện lượng heo của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường. Sở đã gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng kế hoạch dự trữ lượng thịt heo phục vụ Tết Canh Tý 2020.
Theo dự báo, sản lượng thịt heo từ nay đến Tết sẽ tăng nhưng tăng không đáng kể. Hiện nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 4.000 tấn, vào dịp Tết sẽ tăng khoảng gần 5.000 tấn.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, các công ty chủ lực phải đảm bảo lượng heo dự trữ đủ, nếu có biến động sẽ nhập khẩu thêm thịt heo. Tuy nhiên, tâm lý phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng thịt heo chuyển đông, vì vậy các đơn vị thường sử dụng nguồn thịt này để chế biến là nhiều. Nếu người tiêu dùng có thói quen sử dụng thịt đông, các doanh nghiệp phải làm cam kết đảm bảo đủ lượng thịt heo cung ứng cho người dân.
Trước mức chênh lệch giá thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường với giá thịt heo trên thị trường hiện 8,5%, Vissan đã gửi công văn đến Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh tăng giá 25.000 đồng/kg đối với tất cả các mặt hàng thịt gia súc tham gia chương trình bình ổn thị trường do giá nguyên liệu heo hơi hiện nay tăng 8,5% so với đầu chương trình ngày 1/4/2019.
Sau khi họp bàn các sở ngành Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… Các đơn vị thống nhất trong trường hợp giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng hoặc giảm từ 5% trở lên hoặc giá bán trên thị trường biến động giảm làm cho giá bán của chương trình không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5%, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính nhưng giá bán bình ổn thị trường vẫn có tính hợp lý, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, do cơ cấu giá thành các doanh nghiệp xây dựng chưa phù hợp và chưa phản ánh đúng tình hình thực tế nên không sử dụng được các số liệu này để xét duyệt giá theo nguyên tắc của chương trình. Do đó, thống nhất căn cứ giá thị trường và tiêu chí của chương trình là thấp hơn thị trường ít nhất 5% để xét duyệt giá các mặt hàng thịt gia súc áp dụng từ ngày 1/4/2019.
Qua đó, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng lại cơ cấu giá thành tại thời điểm đầu chương trình năm 2019 đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá và gửi về Sở Tài chính trong thời gian sớm nhất để đảm bảo việc điều chỉnh giá thực hiện theo đúng quy định.