Tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn thịt heo nhập vào TP. Hồ Chí Minh
- Y học 360
- 01:05 - 09/06/2019
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, cán bộ thú y là đội ngũ hết sức lành nghề cho nên sẽ phát hiện được heo mang bệnh. Từ công đoạn vận chuyển đến sau khi giết mổ, thịt heo phải đầy đủ giấy tờ như giấy kiểm dịch, vòng truy xuất nguồn gốc, vòng niêm phong.
Đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi khi nhập vào địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trong thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh lấy heo từ tỉnh Tây Ninh vào giết mổ, vì tỉnh này chưa có dịch bệnh. Tuy nhiên, với phương tiện kỹ thuật hiện nay, việc kiểm nghiệm âm hay dương tính với bệnh không thể làm 100% mẫu bởi chi phí lẫn thời gian chờ đợi. Ngoài bệnh dịch tả, đoàn liên ngành còn kiểm tra các bệnh khác trên heo như lở mồm long móng, tai xanh.
“Chúng tôi cũng lo khi có những trường hợp chở heo mang dịch bệnh bằng xe máy, đi đường tránh nhưng các trường hợp này không chở được số lượng heo lớn. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn những điểm giết mổ heo lậu nhưng hoạt động lẻ tẻ, chỉ một vài, cùng lắm là trên chục con heo. UBND các quận, huyện đang phối hợp với ngành thú y dẹp bỏ tình trạng này”, bà Lan thông tin.
Đoàn liên ngành kiểm tra biểu hiện trên thịt heo trước khi nhập vào chợ đầu mối Hóc Môn.
Sau khi heo được kiểm tra ở các chốt, trạm kiểm dịch tiến về chợ đầu mối. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lực lượng Ban Quản lý chợ, Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra các loại giấy tờ, giám sát màu sắc thịt trên các xe vào chợ.
Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, những con heo nằm ngoài vùng dịch nhưng thuộc tỉnh đang có heo mắc dịch tả, khi nhập vào chợ, ngoài giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh, họ phải kèm theo giấy kiểm tra dịch tả heo châu Phi âm tính.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, sản phẩm thịt mang dịch bệnh heo châu Phi là chưa có, nhưng cũng xuất hiện vài trường hợp lỡ mồm long móng. Ngay sau đó, lực lượng thuộc Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh xử phạt hành chính, tiêu hủy sản phẩm. Đồng thời, chợ đầu mối Hóc Môn cũng lập biên bản phạt cảnh cáo, nhắc nhở.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng xe trước và sau khi ra vào chợ.
Công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trước, trong và sau khi ra khỏi chợ cũng tăng lên gấp đôi. Cụ thể, đối với các xe ra vào chợ, sau khi xịt thuốc tiêu độc khử trùng sẽ được cấp 1 thẻ lưu hành nội bộ để không xảy ra tình trạng nhiễm chéo. Kết thúc phiên chợ, tiểu thương phải rửa sạch dụng cụ, trang thiết bị của mình. Đối với nhà lồng bán thịt, công ty sẽ phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ.
Nếu phát hiện xe chở heo hoặc tiểu thương nào vi phạm, Ban ATTP TP. Hồ Chí Minh cùng Ban Quản lý chợ tiến hành lập biên bản, phạt hành chính, tiêu hủy. Mức xử phạt nặng nhất là cấm kinh doanh. Ngoài ra, Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn còn tăng cường tuyên truyền, vận động cho tiểu thương hiểu như heo mua phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm tra của ngành thú y...