THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:24

Các địa phương tiếp tục công tác bình ổn giá sau Tết

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã có 40/63 UBND tỉnh, thành phố ban hành Chỉ thị, Kế hoạch bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, có nhiều địa phương với sức mua cao, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa…

Cụ thể, các địa phương đã chủ động theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng hóa thiết yếu, chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa. Trong đó, đặc biệt chú ý không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá.

Triển khai chương trình bình ổn giá cả thị trường, Hà Nội có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình với 1.300 điểm bán hàng, 2 tổ chức tín dụng tham gia cho vay lãi suất ưu đãi với số vốn 2.100 tỷ đồng. Thành phố đã tập trung tổ chức 10 phiên chợ bán hàng Việt, 300 chuyến hàng lưu động, tổ chức tháng khuyến mại Hà Nội năm 2017… Ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2018 tại Hà Nội đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017.
Tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia trong Chương trình Bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất năm 2018. Lượng hàng chuẩn bị tăng 12% - 15% so kế hoạch Thành phố giao và tăng 20% - 30% so kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% – 55% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47,1%), thực phẩm chế biến (39,1%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua so sánh với giá bình quân của các chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố, giá gạo thấp hơn giá thị trường 9 – 17%, giá đường ăn thấp hơn 12%, giá dầu ăn thấp hơn 8%, thịt gia cầm thấp hơn 12 – 28%, thịt gia súc thấp hơn 11,2 – 21,8%, trứng gia cầm thấp hơn 7- 10%.
Tại thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố chủ động đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết 2018 với tổng giá trị trên 829,5 tỷ đồng. Thành phố Cần Thơ có 9 doanh nghiệp tham gia bình ổn trên địa bàn với trị giá nguồn hàng dự trữ là 403 tỷ đồng…
Ngoài ra, nhiều tỉnh thành phố cũng đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nam Định, Cà Mau, Quảng Trị, Bình Dương...

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết; tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.

Đối với các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, dịch vụ sự nghiệp công, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...), tiếp tục điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh