CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

TP. HCM: Xin ý kiến thống nhất hồ sơ đưa di tích địa đạo Củ Chi vào di sản thế giới

Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; là nơi các lãnh đạo: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định.

Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ năm 1961 - 1975).

Ngoài ra, Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là một công trình khoa học quân sự còn được bảo tồn tốt. Đó là một hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2 đến 3 tầng ăn thông với nhau với chiều dài khoảng hơn 200km, được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn, có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ.

Đây là chứng tích lịch sử tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân; là một minh chứng cụ thể về sự sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi còn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật, đó là những ứng xử quan hệ giữa người với người, với người dân với kẻ địch từng đối đầu, những bản tình ca và cả những câu chuyện tình yêu, tình đồng chí, tình quân dân...

Ngày nay, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, trong truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc... Và là một trong những địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015 với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.

Với những giá trị nổi bật như trên, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có Giá trị Nổi bật Toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới của UNESCO.

Trước đó, ngày 25/5, UBNDTP. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Bộ VH-TT&DL về việc hướng dẫn lập hồ sơ Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đệ trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới. Ngày 13/7, Bộ VH-TT&DL phúc đáp việc lập hồ sơ trên phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương.

Và để tạo điều kiện thuận lợi trong việc lập hồ sơ Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới, UBND TP đề nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất về chủ trương.

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các bước tiếp theo như hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL.


L.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh