Địa đạo Củ Chi: Công trình của những bàn tay thép
- Văn hóa - Giải trí
- 13:34 - 01/05/2016
Công trình hơn 20 năm của nhiều thế hệ
Là người dân Việt Nam, hẳn ai cũng từng nghe qua địa danh Địa đạo Củ Chi, với những chiến tích kỳ bí và cũng là nơi phòng thủ trong lòng đất có một không hai trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Công trình này được hoàn thiện trong hơn 20 năm với công sức của nhiều thế hệ. Sau hơn 40 năm, nơi đây trở thành địa danh lịch sử thu hút đông đảo du khách và là điểm đến trong tour du dịch của TP Hồ Chí Minh.
Địa đạo Củ Chi.
Lần đầu tiên đến Địa đạo, ai cũng có một cảm xúc thật khó tả, nhất là khi tự mình chui xuống hầm để trải nghiệm cuộc sống của các chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến gian khổ, từ đó có thể hiểu được vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, nhân dân Củ Chi đã chiến thắng, xứng danh “đất thép thành đồng”.Điều khiến cho Mỹ - ngụy phải nhức đầu là hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá từ các loại bom tấn lớn. Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật. Thiết kế cửa hầm địa đạo kiểu nhỏ và hẹp này chỉ phù hợp với người Việt Nam, lính Mỹ có vóc dáng cao to xuống thường gặp rất nhiều khó khăn. Cấu trúc địa đạo là hệ thống công sự ngầm bí mật ở dưới lòng đất, các hệ thống công sự này được ngụy trang rất sâu và kỹ lưỡng trong rừng rậm nhiệt đới.
Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai tại Việt Nam với khoảng 250km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có nhiều chỗ sâu hàng chục mét, các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… và vô số cửa sập để tạo thêm yếu tố bất ngờ.
Dù nằm sâu dưới lòng đất, nhưng Địa đạo Củ Chi vẫn đảm bảo thông thoáng về không khí.
Để hoàn thành công trình này, quân và dân Củ Chi đã chia ra nhiều tổ đào khác nhau, mỗi tổ thường có từ 3 đến 4 người. Một người đào và một người kéo đất từ trong hầm ra và đem đi đổ. Hệ thống này được xây dựng từ cuối những năm 1940 và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sử dụng trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Với đặc thù vùng đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở tạo nên một địa thế hiểm trở cho cách mạng. Có thể nói, công trình địa đạo đã thể hiện sự kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi. Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa mở rất nhiều cuộc ném bom, càn quét quy mô lớn, kéo dài nhiều năm nhưng đều gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ vùng căn cứ hiểm yếu này. Lính Mỹ sau đó cũng phải khiếp sợ bởi Củ Chi trở thành vùng đất chết đối với lính thủy đánh bộ Mỹ và các thiết đoàn Sài Gòn.
Công trình địa đạo được thiết lập với hệ thống gồm 3 tầng, từ đường xương sống tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có hánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng 1 cách mặt đất 3m, chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng 2 cách mặt đất 5m, có thể chống được bom cỡ nhỏ, còn tầng dưới cùng cách mặt đất 8-10m hết sức an toàn, các loại bom lớn cũng không thể với tới.
Sơ đồ Địa đạo Củ Chi.
Tuy ở dưới lòng đất sâu nhưng các đường hầm đều có không khí thông qua các lỗ thông hơi được bố trí dọc theo đường đi. Đồng thời những cửa thông gió được các chiến sĩ sử dụng như hỏa điểm bí mật để tấn công. Lính Mỹ từng thả chó săn để tìm địa đạo. Nhưng những chiến sĩ du kích Củ Chi rất thông minh và khéo léo đối phó lại bằng cách sử dụng quần áo, xà phòng Mỹ hay hạt tiêu xay nhỏ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió để vô hiệu hóa khứu giác của chó.
Vùng đất thép sau 40 năm giải phóng
Ngày nay vùng đất được mệnh danh "đất thép thành đồng" Củ Chi đã ghi dấu những chiến tích hào hùng của dân tộc về tinh thần quả cảm, ý chí anh dũng, quật cường của những người con đất Việt. 40 năm sau ngày giải phóng, những bàn tay một thời chỉ quen cầm súng, cầm đao đánh giặc, nay bằng khối óc và niềm tin đã tạo nên những kỳ tích mới trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Người dân Củ Chi thời chiến anh dũng, thông minh và gan dạ, thời bình là những người nông dân đã mạnh dạn tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại để thoát khỏi đói nghèo. Sau nhiều năm thực hiện và được chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, đến nay nhiều hộ nông dân đã ứng dụng hiệu quả nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng từ lúa sang rau, hoa lan; từ lợn sang nuôi bò, trăn, cá sấu... góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay và mãi mai sau, khu di tích lịch sử này luôn trở thành một khu du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và nước ngoài tham quan. Ngoài việc len lỏi vào các đường hầm để cảm nhận được không khí năm xưa, khách du lịch còn được nghe giới thiệu, được xem lại những đoạn phim tư liệu về thời chiến đấu oanh liệt của du kích Củ Chi, được thưởng thức món khoai mì chấm muối mè dân dã mà ngon miệng. Giữa cuộc sống ồn ào bề bộn với công việc nhưng khi đặt chân đến vùng đất này chúng ta cảm thấy thật dễ chịu với bầu không khí trong lành bao quanh là những rừng cây xanh ngút ngàn, ngồi đong đưa trên những chiếc võng, hoài niệm một chút về quá khứ, để biết rằng cuộc sống thanh bình ngày hôm nay được đánh đổi biết bao sự hy sinh của những con người năm xưa trên khắp đất nước Việt Nam. Để cho thế hệ sau học hỏi và noi gương theo thế hệ cha ông không ngừng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng tươi đẹp.