CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:37

TP. HCM: Hiệu quả từ mô hình phòng chống tệ nạn mại dâm tại cộng đồng

Trao đổi với p/v báo Lao động và Xã hội ( báo điện tử Dân Sinh), ông Trần Ngọc Du – Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP. HCM cho biết: "Trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn TP.HCM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Với phương châm lấy "phòng ngừa là chính", trong 5 năm qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm trong cộng đồng dân cư. Cụ thể, đã tổ chức 24.669 buổi tuyên truyền với 1.687.446 lượt người tham dự; xây dựng và phổ biến 1.146.334 tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, bảng tin, tờ bướm và khẩu hiệu, panô, áp phích cổ động trực quan; 10.140 lượt phát thanh về phòng, chống mại dâm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, giảm hại do hoạt động mại dâm ảnh hưởng đối với cộng đồng và xã hội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP đã tổ chức triển khai thí điểm và duy trì 3 mô hình và bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Cụ thể, mô hình "Hỗ trợ hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" được triển khai tại tuyến đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1; mô hình "Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm" được triển khai tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân và mô hình: "Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm trên địa bàn thành phố".

Theo ông Du, một trong những mô hình phòng ngừa, can thiệp, giảm hại trong phòng chống mại dâm đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn thành phố trong thời gian qua phải kể đến mô hình "Tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm trên địa bàn thành phố" do Chi cục phối hợp cùng với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam triển khai thực hiện.

Theo đó, kết quả trong giai đoạn 2016 – 2020, Chi cục và các đơn vị liên quan đã tổ chức 05 đợt khảo sát ngẫu nhiên đối kết với 460 lượt người đang hoạt động mại dâm và số nhân viên nữ đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm về nhu cầu hỗ trợ pháp lý, nghề nghiệp, kỹ năng phòng chống bạo lực giới…nhằm xây dựng một hệ thống cung cấp dịch vụ thân thiện, phù hợp với nhu cầu của chị em; Phối hợp tổ chức 11 đợt tập huấn kiến thức cơ bản và nâng cao về kỹ năng tiếp cận truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các đồng đẳng viên và chị em tham mô hình

Cùng với đó, để giúp đỡ các chị em, mô hình cũng đã tiếp cận, vận động được trên 680 lượt chị em (347 người) đến tham gia sinh hoạt tại các Câu lạc bộ; chuyển gửi xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS ngoại trú cho 154 người; chuyển gửi khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục: 167 lượt người.

Phối hợp với các Trung tâm đào tạo nghề, trường nghề và Hội Luật gia thành phố nhằm tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho chị em có nhu cầu; Tổ chức các buổi truyền thông về pháp lý và các buổi tư vấn pháp lý chuyên sâu (định kỳ vào chiều thứ 6 hàng tuần tại Văn phòng Hội Luật gia Thành phố) cho người bán dâm tại cộng đồng và lao động nữ đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Các nội dung như: quyền lợi của người lao động khi làm việc tại cơ sở, các biện pháp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hỗ trợ pháp lý về nhân thân của bản thân và người thân của họ (chồng, con..)

Chia sẻ với p/v, ông Trần Ngọc Du cho rằng: Các mô hình thí điểm hỗ trợ người bán dâm trên địa bàn thành phố bước đầu đã mang lại hiệu quả từ đó giúp họ tiếp cận được các dịch vụ giảm hại, nâng cao nhận thức để từ bỏ hành vi. Cùng với đó, kết hợp các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm để chuyển đổi hành vi, tạo sự đồng thuận và xóa bỏ sự kỳ thị đối với người bán dâm.

Thông qua thực hiện thí điểm mô hình giúp nâng cao năng lực cho các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm, đảm bảo các quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm.

Ngoài ra, trong thời gian tới để thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho các đối tượng tham gia mô hình thí điểm thì các đơn vị cần phối hợp một cách chặt chẽ và đồng bộ như: Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông đến các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và nữ người lao động trong các dịch vụ xã hội hiện có trên địa bàn để đăng ký và sử dụng các dịch vụ hiện có tại cộng đồng; Xây dựng kế hoạch tổng thể, những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng tham gia mô hình khi tiếp cận các dịch vụ xã hội được thuận lợi. Ông Du cho biết thêm.

LÊ VIỆT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh