CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:51

TP. Hà Nội: Liệu có thu hồi được hàng nghìn m2 đất dự án có nguy cơ bị "khai tử"?

 

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, hàng năm TP đều giao kế hoạch cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn và thanh, kiểm tra đối với các trường hợp vi phạm.

 

Mảnh đất 282 Lạc Long Quân rộng 2.600 m2 đã gây tranh chấp mười mấy năm nay (ảnh: M.Minh)


Trong năm 2016, Sở TN&MT đã triển khai 37 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, đã lập hồ sơ trình UBND thành phố ban hành 2 quyết định thu hồi với tổng diện tích 657,9m2.

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, sở này đã triển khai 13 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai, đã lập hồ sơ trình UBND thành phố ban hành 2 quyết định thu hồi với tổng diện tích 100.944m2.

Hiện tiếp tục lập hồ sơ trình thành phố thu hồi 3 dự án với diện tích 48.454m2 đất. Bên cạnh đó, cũng đề nghị gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 24 tháng đối với 14 dự án.

Liên quan đến vấn đề này, tháng 6 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND TP Hà Nội cử tri đã nêu câu hỏi về tình trạng hàng loạt các dự án bất động sản, dự án nhà ở được phê duyệt trước khi sáp nhập trên địa bàn các huyện ngoại thành sau gần 10 năm vẫn bỏ hoang tràn lan gây lãng phí, bức xúc dư luận. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đối với các dự án thuộc địa bàn huyện Mê Linh và các huyện ngoại thành khác, trong năm 2016 và riêng 5 tháng đầu năm 2017 đích thân ông đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các sở ngành liên quan.

 

Tổng Công ty HUD đang “ôm” nhiều dự án KĐT với hàng trăm hec-ta đất.


Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng Toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại tại ô số 3 khu đất vàng 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) do Công ty CP Đầu tư phát triển Văn phòng làm chủ đầu tư. Dự án được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009. Tuy nhiên, hơn 9 năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến không ít khách hàng khốn khổ khi hợp tác đầu tư góp vốn.

Người dân và khách hàng bày tỏ bức xúc: Theo quy định tại Điều 4 của 3 hợp đồng đã ký kết với ông Lê Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Văn phòng, sau khi nhận góp vốn hơn 6 tỷ đồng (từ 3 khách hàng), Công ty chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư, triển khai dự án theo đúng thiết kế, đảm bảo hoàn thành các thủ phục pháp lý cần thiết và khởi công xây dựng tòa nhà trong thời hạn quý IV/2011. Song, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chẳng những không thực hiện dự án mà còn chây ì hoàn trả tiền cho khách hàng”.

Tiếp đó, nằm trên địa bàn quận Hà Đông, dự án Khu nhà ở Văn La có tổng diện tích 12,29ha thuộc địa bàn phường Phú La đang được chủ đầu tư để mọc cỏ cả chục năm nay. Được biết, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định thu hồi đất, giao cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Văn La.

 

 Dự án Khu nhà ở Văn La đang bỏ hoang nhiều năm nay. 


Dự án dự kiến hoàn thành năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, Sudico vẫn để dự án là bãi đất hoang. Đặc biệt, một phần diện tích trong dự án này đã sử dụng sai mục đích, biến thành bãi đỗ xe…

Không chỉ các dự án nhà ở, văn phòng, tại quận Hoàng Mai, dự án bệnh viện nghìn tỷ cũng chung cảnh ngộ. Cụ thể, năm 2008, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 35.957m2 đất tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) giao cho Công ty CP bệnh viện đa khoa Quang Trung để xây dựng bệnh viện đa khoa Quang Trung với tiến độ đề ra là 18 tháng. Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn đắp chiếu sau cả thập kỷ.

Được biết, Dự án này liên quan gần 300 hộ dân bị thu hồi đất nhưng kéo dài nhiều năm. Dù được quận phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB nhưng doanh nghiệp chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện. Quận và Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị TP thu hồi dự án bởi "treo" quá lâu.

Tại quận Cầu Giấy, Dự án Công viên hồ điều hòa Nam Trung Yên - Khu đô thị phía Tây Nam Hà Nội thuộc địa phận 2 phường Trung Hòa và Yên Hòa, quận Cầu Giấy do Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) thực hiện. Theo kế hoạch, Ocean Group đầu tư 1.600 tỷ đồng xây dựng công viên và dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2015 - 2016.

Tuy nhiên, sau nhiều năm được giao đất, dự án công viên rộng 26ha vẫn chỉ là một ao bèo khổng lồ. Ngoài khu nghĩa trang, một số diện tích đang được dùng làm sân bóng, chỗ rửa xe...

 

Dự án Công viên hồ điều hòa Nam Trung Yên - Khu đô thị phía Tây Nam Hà Nội nhiều năm chưa thể triển khai. 


Bên cạnh địa bàn các quận, nhiều khu đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng đang trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm. Điển hình như, tại xã Tiền Phong nơi tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh, với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị quy mô hàng trăm hec-ta như: Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Công ty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha.. đều trong tình trạng "đắp chiếu", cỏ mọc um tùm.

Trong 47 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Mê Linh với tổng diện tích đất khoảng 1.800 ha, nhiều dự án trong số này dù không phải điều chỉnh quy hoạch, được phép tiếp tục triển khai ngay nhưng gần chục năm nay vẫn hoang tàn, việc thu hồi, bồi thường GPMB đều dở dang.

Riêng Tổng Công ty HUD đang “ôm” nhiều dự án KĐT với hàng trăm hec-ta đất, gần chục năm nay không triển khai xây dựng, rất nhiều diện tích đất chưa đền bù, chưa GPMB. KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 (53,57ha); KĐT Mê Linh - Đại Thịnh (141,84ha); KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 trên 55 ha được triển khai từ lâu nhưng đến giờ vẫn còn GPMB dang dở (0,18ha chưa GPMB).

 

Khu đô thị Cienco 5 Mê Linh đang là nơi trồng cỏ cho bò ăn.


Các dự án đình đám một thời như khu đô thị Cienco 5 của Công ty XD công trình 547 tại xã Tiền Phong (giai đoạn 1 - 36 ha), đến nay các tuyến đường trục đã hoàn thành thông xe nhưng dấu vết còn lại chỉ là những ống cống bê tông b giữa đồng cỏ. KĐT Cienco 5 (giai đoạn 2 và giai đoạn mở rộng) cũng của nhà đầu tư này với trên 30ha hiện vẫn đang dang dở GPMB đền bù cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô vẫn tồn tại không ít dự án bỏ đất trống, chưa triển khai thực hiện. Theo nhiều chuyên gia, đây là hành vi bao chiếm đất, các chủ dự án không đủ năng lực tài chính chỉ “chạy” dự án rồi chờ thời cơ sang tay, hợp tác. Với các trường hợp này, Nhà nước không thu được gì, dẫn tới tình trạng hoang phí tài nguyên đất, sự khốn đốn của hàng ngàn hộ dân đi không nỡ, ở chẳng xong do dự án "treo". Đặc biệt, câu hỏi đặt ra, liệu các ông chủ dự án vàng trên có chấp hành đúng về nghĩa vụ tài chính đất, và việc tận dụng "đất vàng" để cho thuê kinh doanh có được chi trả vào ngân sách, hay là "rơi" vào một nhóm lợi ích...?

Báo Dân sinh sẽ tiếp tục phân tích làm rõ!

T.NGỌC-C.DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh