Tạo sự lan tỏa sâu, rộng về bình đẳng giới
- Dược liệu
- 03:46 - 16/12/2016
Thứ trưởng trao tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân
Hơn 800 hoạt động diễn ra trong Tháng hành động
Ngày 13/11, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Sự kiện này đánh dấu mốc đầu tiên của một Chiến dịch truyền thông cấp quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cở sở giới tại Việt Nam (gọi tắt là Tháng hành động). Trong 30 ngày của Tháng hành động, đã có gần 800 hoạt động có sự tham gia của các cơ quan Chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương, các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ trong nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các doanh nghiệp…
Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị
Đánh giá về kết quả sau một tháng triển khai, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Đào Hồng Lan cho biết, đã có hàng trăm hoạt động được triển khai rộng rãi từ trung ương tới địa phương, thu hút sự tham gia trực tiếp của hàng trăm ngàn người dân. Thông qua Chiến dịch truyền thông này, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn.
“Mặc dù đây là năm đầu tiên chúng ta triển khai Tháng hành động, song đánh giá bước đầu cho thấy các hoạt động được triển khai khá đồng bộ và chất lượng, tạo hiệu ứng tốt về công tác truyền thông. Đặc biệt, sự ủng hộ tích cực của các phương tiện truyền thông đại chúng đã góp phần thúc đẩy sự cam kết vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức, cá nhân nhằm lên án và tố cáo các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự chung tay vào cuộc này sẽ góp phần biến giấc mơ về một quốc gia mạnh khỏe, công bằng, không còn nghèo đói và “không ai bị bỏ lại phía sau” sớm trở thành hiện thực trong một tương lai gần” – Thứ trưởng nhấn mạnh .
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ để phòng chống bạo lực giới
Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội và tồn tại ở mọi quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Các nghiên cứu trong nước và quốc tế chỉ ra rằng, mặc dù cả nam giới và trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, nhưng tỷ lệ trẻ em gái, phụ nữ bị bạo lực cao hơn rất nhiều lần bởi cứ 3 phụ nữ thì có một người đã từng trải nghiệm một trong các hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục trong cuộc sống của mình. Nguyên nhân sâu xa của bạo lực trên cơ sở giới là tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng quyền lực giữa nam và nữ.
Đại diện UN Women bà Shoko phát biểu
Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về hậu quả của bạo lực và xây dựng, triển khai các mô hình, dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, song vẫn chưa thể đáp ứng được mong đợi chính đáng của nhiều người dân về một cuộc sống an toàn, không bạo lực. Do vậy, đòi hỏi cần có sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, tích cực hơn nữa từ các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành cũng như mọi người dân ở Việt Nam.
Thứ trưởng trao Bằng khen cho đại diện Bộ Công an
Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam bà Shoko cho rằng, bạo lực giới là vi phạm quyền con người nghiêm trọng. Trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc ngăn ngừa, xóa bỏ và trừng phạt loại hình bạo lực này đã được ghi rõ trong các văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực. Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đòi hỏi chính phủ phải áp dụng các bước đi cần thiết để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các mục tiêu phát triển bền vững đang thúc giục chúng ta phải đạt được xã hội không có bạo lực vào năm 2030 – có nghĩa là chúng ta chỉ có 14 năm tính từ bây giờ. “Để thực hiện được điều này, chúng ta cần tiếp tục tăng cường khung pháp lý, chính sách và việc thực thi chúng để tạo ra một môi trường hỗ trợ và an toàn nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái. Với các luật pháp bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái và trừng phạt thủ phạm, các dịch vụ tái thiết cuộc sống của nạn nhân, các hoạt động phòng ngừa toàn diện bắt đầu sớm và tạo ra những chuẩn mực xã hội mới nơi mà không ai tiếp tục là người chứng kiến trầm lặng, việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là hoàn toàn có thể thành hiện thực” – bà Shoko khẳng định.
Các cá nhân được trao tặng Kỷ niệm chương
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 6 cá nhân thuộc Bộ Công an đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2016; trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp lao động xã hội cho 3 cá nhân”.