Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên thảo luận của Quốc hội về phòng, chống tham nhũng
- Tây Y
- 15:21 - 24/10/2021
Sáng nay 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng…
Không có vùng cấm
Về phòng chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chúng ta đã có nhiều biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát và thực thi xử lý vi phạm được thực hiện cương quyết, không có vùng cấm.
Tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công... mà chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Hòa lo ngại những vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực vũ trang, ngành Y tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật, nơi nhân dân tin tưởng là an toàn, liêm khiết, trong sạch nhất, lại có một bộ phận không nhỏ tham nhũng nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân. Lợi ích nhóm, sân sau vẫn tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động để họ trở nên “không dám, không muốn, không ham”.
Bên cạnh đó, cần có tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Nhất là thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.
Cán bộ trong lĩnh vực thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không bị áp lực hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng; biết vi phạm thì phải xử lý nghiêm để răn đe.
Đại biểu Hoà cũng cho rằng, phải phát huy vai trò đầu tàu, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng như vai trò phát hiện của nhân dân. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục những hạn chế của công tác này trong thực tế.
Vì khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng rất khó xử lý đúng quy định của pháp luật, lượng tài sản tham nhũng được thu hồi thấp do vướng về pháp lý.
Mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, "với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực”.
Theo Ủy ban Tư pháp, năm 2021, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
Các cơ quan chức năng đã chú trọng thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, công chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc “có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…”
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước. Đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý.
Các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang…
Báo cáo cơ quan thẩm tra dẫn chứng vụ Trần Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) bị khởi tố về tội nhận hối lộ...
Công tác xét xử tội phạm tham nhũng cơ bản kịp thời, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh. Theo báo cáo của Chính phủ, tòa án đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng. Các tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo.
“Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu.