Tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc
- Văn hóa - Giải trí
- 21:27 - 05/11/2015
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2015), chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức sự kiện, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” 2015 sẽ là ngày hội của đồng bào các dân tộc: Thái, Khơ Mú; Tà Ôi; Chăm; M’nông; Sán Chay; Kinh, Hoa, Khmer... đến từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Bắc Giang, Cần Thơ... Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật khai mạc mang chủ đề “Sắt son niềm tin”, được dàn dựng trên tinh thần mới lạ, hấp dẫn, ấn tượng, có chất lượng nghệ thuật cao, chương trình nghệ thuật khai mạc với ý tưởng chủ đạo niềm tin sắt son hướng tới Đại hội lần thứ 12 của Đảng.
Tái hiện hình ảnh chợ vùng cao tại Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”.
Bên cạnh đó là 5 nhóm hoạt động chính, gồm: Trưng bày, triển lãm; tái hiện lễ hội truyền thống; tái hiện không gian chợ truyền thống của đồng bào các dân tộc (chợ vùng cao; chợ nổi Nam bộ); hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch; giới thiệu sản phẩm truyền thống và hàng Việt Nam...
Ông Lâm Văn Khang cho biết, sự kiện có các hoạt động nổi bật là triển lãm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”; lễ Cầu mưa của dân tộc Khơ Mú; lễ hội AzaKooh (cầu mùa) của dân tộc Tà Ôi; lễ hội Oailơcauchăhơzan (lễ cầu mưa) dân tộc Chăm; lễ Bưbrahmihrahbooknăm (lễ cúng mưa đầu mùa) của dân tộc M’nông; lễ cưới của dân tộc Sán Chay (Cao Lan); lễ hội cúng biển Mỹ Long, Trà Vinh; lễ gội đầu của dân tộc Thái...
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải khẳng định: Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 là hoạt động thường niên của Bộ VH-TT&DL. Đây không chỉ là dịp giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc anh em, mà còn góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường giao lưu, gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam. Sự kiện này được BTC chuẩn bị công phu, chu đáo, lựa chọn những nét văn hoá tiêu biểu, những lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc để giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách khi đến với ngôi nhà chung.
Trước đó, từ 16- 18/10, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra phiên “Chợ quê - nét văn hóa của dân tộc Việt Nam” với các hoạt động phong phú như: Giới thiệu, thao tác, trình diễn ẩm thực truyền thống đồng bằng Bắc bộ như bánh đúc chấm tương; bánh đúc riêu cua, bún riêu, bánh cuốn, bánh tẻ, bánh nếp, chè lam, kẹo kéo, xôi, chè đỗ xanh, đỗ đen, bánh đa nướng, bánh dày,... Bên cạnh đó, chợ quê cũng giới thiệu nhiều món ăn, đồ uống truyền thống dân tộc khác, cùng các nghề thủ công như: Rèn, làm nón, nặn tò he, bút tre do các nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng: Làng nghề nấu rượu và làm bánh dày (Đan Phượng, Thường Tín); làng nghề làm nón lá (Thái Nguyên); bánh đa kế (Bắc Giang); phường múa rối nước (thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương); gánh hát Xẩm (Nhà hát Chèo Việt Nam)... nhằm đưa du khách trở về với không gian ký ức của phiên chợ xưa, đồng thời góp phần làm phong phú và đa dạng các hoạt động, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.