THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:51

Lạ lùng chợ vùng cao P'rao

Cả buổi sáng chỉ có một người hỏi mua chuối. ảnh:H.T

Phiên chợ nơi ấy, không tấp nập ồn ào như chợ tình Khau Vai (Hà Giang), không có những đôi trai gái, váy đẹp đi chợ sớm. Chỉ lác đác vài người đến chợ để bán… độc nhất một món hàng. Dường như người ta đến chợ để cho có không khí.

Mặc dù có chợ xây, nhưng người Cơ Tu vẫn thích họp chợ ngoài trời, người ta gùi hàng lên chợ để bán độc nhất một thứ, gần như nhà có gì thì bán thứ đó.

Chị Zơ rum Thiêng đến chợ chỉ để bán một con Ka Lúi. ảnh:H.T

Dạo chợ một hồi, tôi bắt gặp một người phụ nữ đang dắt một loài động vật trông giống …con chuột và chị đến chợ chỉ để bán con vật ấy. Chị Zơ rum Thiêng cho biết, chị từ thôn Tà Vạt, thị trấn P'rao đến chợ vào lúc 6 giờ sáng, để đến được phiên sớm, chị phải đi bộ đến 30 phút và chỉ mang theo một con vật mà tôi miêu tả nó gần như con chuột.

Trò chuyện vui vẻ dù không bán được gì. ảnh:Nguyễn Trang

Chị cho biết: "Con này là con Ka Lúi, phải đào sâu 10m dưới lòng đất và tận rừng núi mới có một con, thịt nó ăn rất ngon, bổ". Tôi hỏi chị bán nó bao nhiêu, chị bảo chừng 100-200 nghìn đồng. Nhìn xung quanh một hồi, tôi chẳng thấy chị bán thêm cái gì, rồi chị cười bảo: " Mình đến chỉ để bán con Ka Lúi này thôi, không ai mua thì đem về, mai ra bán tiếp".  Dường như đứng mãi, chẳng ai mua, chị lại dẫn con Ka Lúi đi về lại bản.

Cũng như chị Thiêng, nhưng dường như may mắn có khách hơn, bà A Lăng Lưới, tuổi đã gần 80 vẫn mang buồng cau ra chợ bán, và chỉ bán mỗi cau, vì đơn giản nhà bà chỉ trồng cau.

Bà A Lăng Lưới đến ngồi gần 3 tiếng chỉ bán được 5 trái cau, cầm vài ba nghìn bạc lẻ vẫn cười vui vẻ. ảnh:H.T

Bà A Lăng Lưới, thị trấn P'rao, nói: "Nhà có buồng cau, ra chợ bán chỉ 500 đồng/trái cau. Nhưng chủ yếu là bà ra cho vui, ở nhà loay hoay mãi chẳng ai trò chuyện". Tôi hỏi bà xem sáng giờ bán bao nhiêu trái, bà cười bảo: "Có bao nhiêu, chỉ có 5 trái, chủ yếu người già mua về tiêm trầu thôi". Vậy là ngồi mãi từ 6 giờ đến tận 9 giờ chưa được 3.000 bạc lẻ. Nhưng bà vẫn lót dép ngồi.

Một phiên chợ sáng thị trấn P'rao, huyện Đông Giang (Thực hiện: Nguyễn Trang)

 

Cạnh bà là một cô gái trẻ, hỏi ra tôi mới biết cô gái chỉ mới 18 tuổi,  A Lăng Thị Tâm, đến chợ  không phải để tìm một mối tình vác vai như người ta bảo nhau ở các chợ tình. A Lăng Thị Tâm, cũng từ thôn Tà Vạt đến và bán đậu ve.

Trò chuyện với Tâm, cô cho biết: "Em chưa có chồng, nhà em ba mẹ có trồng đậu ve, nên em thay ba mẹ lên chợ bán". Tôi hỏi em sao không học tiếp, em bảo đã nghỉ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Và em đến chỉ mang theo 2 bịch đậu ve, mỗi bịch bán chỉ có 4.000 đồng, nhưng vẫn còn chưa bán hết.

Một góc phiên chợ sáng thị trấn P'rao. ảnh:Nguyễn Trang

Phiên chợ thường kéo dài từ 4 giờ sáng đến tận 6 giờ tối, nhưng đến gần trưa thì đã tan hẳn, chỉ còn vài hiệu vải, hàng quán ăn …

Đã đến vùng cao, ai cũng muốn xem chợ phiên rồi mới ra về. Người dân tộc huyện Đông Giang vẫn giữ một nét thân thuộc của phiên chợ truyền thống bên cạnh chợ xây hiện đại. Ở đó, người phụ nữ vẫn mang gùi đi chợ, đến chợ để bán mỗi một loại hàng hay chỉ để mua một vài thứ.

Cuối phiên chợ, có một người đàn ông lặng lẽ đi quét rác chợ…Hết một ngày và người ta lại chuẩn bị cho phiên chợ sáng mai.

Huyền Trang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh