CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Tôn vinh 68 “Nhà Khoa học của Nhà nông” tiêu biểu năm 2020

Chương trình xét chọn và tôn vinh "Nhà Khoa học của Nhà nông" lần thứ 3, năm 2020 đã được triển khai trên toàn quốc từ tháng 5 - 11/2020, tiến hành qua 2 cấp Hội đồng gồm: Hội đồng bình chọn cấp cơ sở (cấp tỉnh gồm: Hội Nông dân, Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh) và Hội đồng Thẩm định Trung ương. Sau 7 tháng triển khai Chương trình, Ban Tổ chức đã nhận được danh sách đề cử ứng viên từ Hội đồng bình chọn của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước và các đề cử từ Hội đồng bình chọn của: Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp Hội đồng Thẩm định Trung ương, Hội đồng đã chọn được 68 "Nhà Khoa học của Nhà nông" tiêu biểu để tôn vinh năm 2020.

Tôn vinh 68 “Nhà Khoa học của Nhà nông” tiêu biểu năm 2020 - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng trao giải thưởng "Nhà Khoa học của Nhà nông" lần thứ Nhất.

Trong số 68 "Nhà Khoa học của Nhà nông" lần thứ 3 có 24 nhà khoa học có học vị Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành Nông nghiệp và đời sống nông dân. Trong số đó phải kể đến GS, TS  Lê Huy Hàm, nguyên Viện Trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Ông đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp; đã cùng các đồng nghiệp xây dựng hoàn thiện và chuyển giao rộng rãi vào sản xuất/nghiên cứu các quy trình tiến bộ kỹ thuật như: Quy trình nhân giống chuối, mía, các cây lâm nghiệp bằng nuôi cây mô; Quy trình tạo dòng thuần từ bao phấn ngô sử dụng cho chọn tạo giống; Quy trình TBKT tạo mô sẹo phôi hoá và phôi vô tính từ nuôi cấy noãn của một số giống cây ăn quả có múi; Quy trình tạo mô sẹo phôi hóa ở cây sắn phục vụ cho chuyển gen ở cây sắn; là đồng tác giả của 19 giống cây trồng mới, gồm: Lúa, mía, nho, dứa, dừa, cam…

Lĩnh vực nghiên cứu về thuốc thú ý có PGS, TS Lê Văn Năm (sinh năm 1951), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thuốc thú y Năm Thái. Ông là chủ biên hoặc đồng tham gia biên soạn 21 đầu sách các loại gồm: Giáo trình đại học và trên đại học, chuyên khảo, tham khảo và hướng dẫn phục vụ đào tạo từ nông dân đến trên đại học đã được áp dụng vào thực tiễn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y vào sản xuất và luôn được đông đảo người quan tâm tìm đọc. Ông đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi; Nghiên cứu chế tạo thành công trên 120 loại sản phẩm là thuốc thú y. Ông được tặng nhiều bằng khen, giải thưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ chăn nuôi thú y vào sản xuất và có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển ngành Thú y Việt Nam, đặc biệt là thành tích về kết quả nghiên cứu phác đồ điều trị bệnh lợn tai xanh.

Tôn vinh 68 “Nhà Khoa học của Nhà nông” tiêu biểu năm 2020 - Ảnh 2.

Vinh danh các "Nhà Khoa học của Nhà nông" lần thứ Nhất.

Cùng với những nhà khoa học công tác trong các viện, trường, trung tâm nghiên cứu được tôn vinh, năm nay có 14 "nhà khoa học không chuyên" là những nông dân có sáng chế, sáng kiến được ghi nhận và được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Tiêu biểu là anh Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1987) hiện là chủ xưởng gia công chế tạo đồ leo dừa tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Với những sáng tạo của mình, anh đã chế tạo và đưa vào sử dụng hơn 15.000 bộ dụng cụ leo dừa cho hộ nông dân trên cả nước, trong đó nhiều nhất là các tỉnh: Bến Tre, Bình Định, Kiên Giang, Tiền Giang, Phú Yên… Tác giả đã giúp nhà nông tiết kiệm tiền thuê nhân công hái dừa 20.000-30.000 đồng/cây/lần thu hoạch. Đồng thời giúp nông dân chủ động chăm sóc và leo hái. Không chỉ hỗ trợ nhà nông, dụng cụ được cải tiến để leo các loại cây, loại cột khác nhau cung cấp cho việc câu mắc điện, resort, các sân Gold, các khu nghỉ dưỡng Vingroup, tập đoàn Vietel…  và được nông dân trồng dừa các nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, xa hơn là được kiều bào trên thế giới đón nhận như: Mỹ, Úc, Canada… Góp phần nâng cao vị thế sáng tạo kỹ thuật của nông dân Việt Nam.

Những "Nhà nông chân đất" xuất thân từ nông dân, thấu hiểu công việc đồng áng và mọi công việc trong cuộc sống hàng ngày. Cũng chính từ những công việc đó, họ đã có những sáng kiến, sáng tạo để bớt đi nỗi nhọc nhằn, cực khổ cho bản thân cũng như cộng đồng. Nông dân Lê Hồng (sinh năm 1947) hiện là chủ Cơ sở sản xuất bếp TK90, Khu 11, xã Thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2012 đến nay, cơ sở của ông đã sản xuất và cung cấp trên 20.000 sản phẩm bếp TK90 với một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ bếp đun cải tiến TK90 cho đồng bào dân tộc ở các huyện: Bảo Yên, Mường Khương và TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai và huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn… Bếp có nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng có tác dụng rất lớn trong việc tiết kiệm chất đốt, củi đốt, đồng thời giảm tối đa lượng khí thải độc hại, khói, bụi ra môi trường; tiết kiệm từ 50 - 70% chất đốt so với bếp thường, tiết kiệm 50% thời gian đun nấu, giảm từ 50 - 70% lượng khí thải, khói bụi đã được kiểm nghiệm tại hội thảo của Liên minh bếp sạch toàn cầu từ ngày 16 - 19/10/2012. Từ đó, tiết kiệm được công sức, tiền của; nâng cao nhận thức về môi trường, giảm thời gian đun nấu, giảm thời gian và gánh nặng đi kiếm củi, nhất là đối với phụ nữ vùng nông thôn, miền núi; cải thiện sức khỏe cho người sử dụng bếp cải tiến TK90.

Xuất hiện trong chương trình tôn vinh năm nay có sự góp mặt của những giám đốc hợp tác xã, trong đó có anh Nguyễn Văn Thảo là người trẻ nhất (sinh 1990), hiện là Giám đốc Hợp Tác xã Nông nghiệp Thuận Thới. Là Thạc sĩ về Công nghệ sinh học, anh Thảo đã luôn tìm tòi nghiên cứu giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường. Từ năm 2016 – 2020, anh tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong và ngoài tỉnh về các mô hình nông nghiệp khép kín thu hút trên 1.000 nông dân tham dự, với trên 16 lớp gồm các mô hình như: Mô hình Bò – Trùn – Bò – rau sử dụng phân bò nuôi trùn và sử dụng trùn thịt vỗ béo bò theo từng giai đoạn phát triển. Chuyển giao cho nông dân quy trình xử lý nước thải và phân bò. Nước thải cho nông dân dẫn qua hố bioga làm chất đốt cho gia đình. Phân bò được tận dụng nuôi trùn quế, sau đó dùng con trùn vỗ béo bò, trùn còn thừa ra chăn nuôi cá kết hợp phân trùn trồng rau sạch hay bón cho cây ăn trái... tạo thêm nguồn thu nhập thụ động cho gia đình.

Hay một số mô hình khác như: Mô hình Heo – trùn - heo – cây ăn trái hoặc rau; Mô hình Dê – trùn – dê – cây ăn trái… đã tạo việc làm cho nông dân; nâng cao trình độ nông dân; giảỉ quyết được vấn đề phế thải trong nông nghiệp, bảo vệ sức khoẻ nông dân, tăng chất lượng cây trồng vật nuôi: nông dân được sử dụng các sản phẩm hữu cơ, hạn chế sâu bệnh nên giá trị nông sản được nâng cao.

Gương Giám đốc HTX Hương Ngàn ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn Vi Thùy Dương (sinh năm 1988, dân tộc Nùng) đã thực hiện thành công đề tài: Chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa. Trung bình mỗi năm chế biến hơn 50 tấn quýt; lợi nhuận thu được 23.636.000 đồng/tấn. Thông qua đề tài này đã tìm giải pháp cho quả quýt được xử lý theo chuỗi, giá trị tăng lên rất nhiều lần so với việc bán quýt thô, hơn nữa còn tận dụng được quýt rụng, quýt loại và quýt bi để đưa vào sản xuất; Góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con từ việc tận dụng quýt rụng, quýt bi để chưng cất tinh dầu, góp phần lớn trong việc bảo vệ môi trường khỏi quýt rụng, quýt thối. Từ đó, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Bã quýt sau khi chưng cất dùng vi sinh xử lý để làm phân bón tạo độ mùn và thêm chất dinh dưỡng cho đất.

Đánh giá về ý nghĩa của chương trình tôn vinh Nhà khoa học của Nhà nông lần thứ 3 năm 2020, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Chương trình cho biết: Danh hiệu "Nhà Khoa học của Nhà nông" được coi là một hình thức tri ân của Nông dân Việt Nam đối với Nhà khoa học được vinh danh. Nhà khoa học được tôn vinh có trách nhiệm tiếp tục phổ biến, áp dụng các giải pháp sáng kiến, công trình khoa học, công sức của mình vào thực tiễn đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các lĩnh vực liên quan, đóng góp cho quan hệ liên kết giữa nông dân với các thành phần khác trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hàng hóa nông sản; gia tăng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với ý nghĩa thiết thực, chương trình đã tạo được sức lan tỏa, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong giới nghiên cứu, khoa học và nông dân trong cả nước. Vì vậy, chất lượng của chương trình được nâng lên, số nhà khoa học của Nhà nông năm nay được tôn vinh nhiều hơn năm trước".

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh