THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:40

Di sản của các nhà khoa học Việt Nam: Lan tỏa giá trị giáo dục đến cộng đồng xã hội

Di sản của các nhà khoa học Việt Nam: Lan tỏa giá trị giáo dục đến cộng đồng xã hội - Ảnh 1.

ThS. Trần Bích Hạnh, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Tại Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ II với chủ đề "Nữ trí thức với nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", với phần trình bày Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học "Lan tỏa giá trị di sản nhà khoa học Việt Nam - một hình thức truyền cảm hứng khoa học", ThS. Trần Bích Hạnh, Trung tâm Di sản (TTDS) các nhà khoa học Việt Nam nhấn mạnh, để hiểu rõ và theo kịp xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cần nắm rõ lịch sử phát triển khoa học trên thế giới cũng như ở trong nước. Báo cáo sẽ phân tích về một loại hình di sản văn hóa - di sản của các nhà khoa học Việt Nam, mà trong những năm gần đây được quan tâm khá nhiều. Nơi khởi nguồn và tạo thành một phong trào sưu tầm, bảo tồn, phát huy loại hình di sản ấy là Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có Chi hội Nữ trí thức của Trung tâm. Việc phát huy giá trị và giới thiệu với cộng đồng loại hình di sản này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn mang tính giáo dục, lan tỏa động lực, cảm hứng khoa học cho những người được tiếp cận.

Theo đó, di sản của các nhà khoa học bao gồm di sản vật thể và di sản phi vật thể. Di sản vật thể của nhà khoa học là tài liệu, hiện vật trong quá trình hoạt động, do họ tạo ra và rất đa dạng, như: sổ ghi chép, bản thảo bài viết, bản thảo sách, bản thảo công trình nghiên cứu, nhật ký, thư từ, giấy tờ cá nhân… Di sản phi vật thể của nhà khoa học là những câu chuyện, ký ức, kinh nghiệm trong cuộc đời mà họ đã trải qua, được kể hoặc ghi chép lại và lưu trữ dưới nhiều dạng khác nhau. Bằng phương pháp nghiên cứu nhân học, xã hội học lịch sử và một số phương pháp khác, cho phép nhìn nhận cuộc đời nhà khoa học như một dòng chảy dài. Thông qua di sản mà họ tạo ra chúng ta có thể hiểu đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp một con người cũng như môi trường xã hội xung quanh có quan hệ với họ. Với suy nghĩ như vậy, TTDS cho rằng mỗi nhà khoa học là một sợi chỉ, tạo nên tấm thảm muôn màu của nền khoa học nước nhà.

Di sản của các nhà khoa học Việt Nam: Lan tỏa giá trị giáo dục đến cộng đồng xã hội - Ảnh 2.

Giới thiệu về các hiện vật trong khu trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”. Ảnh: MEDDOM.

"Trong 12 năm hoạt động đến nay, TTDS đã nghiên cứu - sưu tầm và thiết lập hồ sơ của hơn 1.700 nhà khoa học ở hơn 40 chuyên ngành khoa học, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật. Các nhà khoa học sống, học tập và trưởng thành trong nhiều giai đoạn của lịch sử đất nước, từ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã thu thập hơn 800.000 đơn vị tài liệu đa dạng về loại hình từ sổ ghi chép, nhật ký, thư từ, đến bản thảo công trình, bản thảo sách, ảnh tư liệu, những dụng cụ thí nghiệm, kỷ vật trong đời của nhà khoa học. Bên cạnh đó, thu thập hàng vạn phút ghi âm, ghi hình các nhà khoa học kể chuyện cuộc đời, chuyện học, chuyện nghiên cứu, chuyện tình yêu, đối nhân xử thế… Bên cạnh đó, nhiều khối tài liệu, hiện vật có nguy cơ mất mát, hư hỏng do mối mọt và thời tiết cũng đã được "cấp cứu"", ThS. Trần Bích Hạnh cho biết.

Hàng trăm câu chuyện được giới thiệu trong hai bộ sách "Di sản ký ức của nhà khoa học" và "Những câu chuyện hiện vật" chứa đựng biết bao kinh nghiệm của thế hệ những người đi trước trong học tập, vươn lên, chiếm lĩnh khoa học và phục vụ cuộc sống. Các thế hệ hậu sinh tìm thấy những điều bổ ích để áp dụng cho mình, trên con đường tạo dựng những giá trị riêng cho bản thân và cho xã hội.

Khi xem trưng bày "Thẳm sâu trong từng kỷ vật", nhiều học sinh đã nảy nở khát vọng phấn đấu theo gương các nhà khoa học. Một em học lớp 5 tại Hòa Bình cho biết: "Em rất thích tìm hiểu những thứ trên trái đất này được tạo ra từ cái gì. Em thích hình dung xem kính hiển vi có thể nhìn thấy gì và tưởng tượng ra nhiều thứ qua chiếc kính đó", và thêm nữa: "Em mơ ước sau này sẽ được học một trường đại học, được nghiên cứu khoa học và có gì đó được lưu giữ với tư cách một nhà khoa học trong tòa nhà Di sản này". Những cảm nhận như thế là tín hiệu xác đáng cho thấy tiềm năng giáo dục của di sản các nhà khoa học Việt Nam .

Di sản của các nhà khoa học Việt Nam: Lan tỏa giá trị giáo dục đến cộng đồng xã hội - Ảnh 4.

Du khách đến tham quan và xem di sản để lại của các nhà khoa học - Ảnh: MAI HÀ.

"Như vậy, di sản của các nhà khoa học không chỉ là di sản của bản thân nhà khoa học và gia đình họ, mà đã trở thành di sản của xã hội, của cả dân tộc Việt Nam . Di sản đó sẽ tiếp tục là nguồn động lực thúc đẩy các thế hệ mai sau trong việc học tập, lao động, phấn đấu vươn lên, đặc biệt là trên con đường nghiên cứu khoa học và sáng tạo tri thức. Di sản văn hóa nói chung và di sản của các nhà khoa học Việt Nam nói riêng đã, đang và sẽ trở thành nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Di sản của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa mà còn lan tỏa giá trị giáo dục đến cộng đồng xã hội", ThS. Trần Bích Hạnh nhấn mạnh.

Theo ThS. Trần Bích Hạnh, di sản của các nhà khoa học nói chung và di sản của các nhà khoa học nữ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng, động lực và những giá trị khác nhau cho những người được tiếp cận, nhất là thế hệ trẻ trên con đường lập nghiệp, tạo dựng bản sắc cho riêng mình. Di sản của các nhà khoa học nữ vẫn chiếm số lượng khiêm tốn trong khối di sản của các nhà khoa học Việt Nam nói chung, trong khi đó, đóng góp, cống hiến của họ cho khoa học và đất nước rất lớn. Bởi vậy, cần chung tay, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các hội, các tổ chức nhằm sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học nữ Việt Nam. Cần tạo ra một phong trào rộng lớn trong việc sưu tầm di sản này, trong đó các nhà khoa học nữ và Hội Nữ trí thức Việt Nam có vai trò then chốt.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh