Tội phạm ở Sài Gòn giảm sau chỉ đạo của Bí thư Thăng
- Pháp luật
- 15:18 - 14/06/2016
Gần 85% đối tượng cướp giật là dân Sài Gòn
Công an TP.HCM khẳng định, trong 3 tháng (từ 16/2 đến 15/5), kể từ khi Bí thư Đinh La Thăng làm việc với Ban giám đốc công an TP.HCM, kết quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn được ghi nhận giảm so với giai đoạn cùng kỳ năm trước và so với thời gian liền kề.
Cướp giật, trộm cắp vẫn gây nhức nhối, bất an cho người dân TP.HCM |
Cụ thể, ghi nhận trong giai đoạn 3 tháng, tại TP.HCM ghi nhận xảy ra 1.173 vụ phạm pháp hình sự, giảm 86 vụ tương đương 6,83%, so với giai đoạn cùng kỳ; giảm 67 vụ tương đương 5,4% so với giai đoạn liền kề. 6 loại án hình sự trong giai đoạn 3 tháng qua, được xác định là giảm gồm: giết người, cướp, cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích.
Lực lượng công an đã khám phá 778 vụ, đạt tỷ lệ 66,32%, bắt giữ 902 đối tượng. Công an đã xác minh, bắt, lập hồ sơ 2.810 đối tượng phạm tội hình sự và tệ nạn xã hội, triệt phá 655 băng ổ nhóm với 2.546 đối tượng.
Tuy nhiên, qua thống kê của công an TP.HCM có thể thấy loại hình tội phạm đặc trưng của TP.HCM là: cướp giật, trộm cắp…đã giảm nhưng không đáng kể và còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm pháp hình sự.
Cụ thể 3 tháng trên địa bàn xảy ra 66 vụ trộm cắp, giảm 68 vụ tương đương với 9,85% và chiếm tỷ lệ cao, tức hơn 53% trong cơ cấu phạm pháp hình sự. Phần lớn các vụ trộm là “đá xế”, nhưng diễn biến phức tạp là có nhiều vụ trộm đột nhập nhà dân, khoắng đi tài sản có giá trị lớn...
Về nạn cướp giật, 3 tháng xảy ra 218 vụ, chỉ giảm 10 vụ tương đương 4,38% so với giai đoạn liền kề và chiếm 18,58% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự. Đáng nói, phân tích trong số 185 đối tượng cướp giật bị bắt giữ, công an TP.HCM đưa ra con số bất ngờ, đối tượng sống tại TP.HCM chiếm tới 84,87%.
Doanh nhân sẽ "tiếp sức" cho…hiệp sĩ đường phố
Công an TP.HCM ghi nhận, tình hình tội phạm vẫn còn ở mức cao và tiềm ẩn nhiều thách thức.
Sắp tới mô hình “hiệp sĩ đường phố” ở TP.HCM dự báo sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực |
Cụ thể, các băng nhóm tội phạm ở các tỉnh thành khác đến TP.HCM ẩn náu, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm như: vũ trường, quán bar, cầm đồ…Nhiều băng nhóm tội phạm như: ma túy, lừa đảo có tính quốc tế hóa. Đồng thời các loại hình tội phạm như: trộm cắp, cướp, cướp giật…dạt về vùng ven gây án, gây phức tạp ở các địa bàn này.
Công an TP.HCM đã có đánh giá về nhiều nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm vốn đã nhiều lần đưa ra. Tuy nhiên, về giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trong giai đoạn sắp tới, trong báo cáo của công an TP.HCM đã có nhiều điểm mới.
Cụ thể, ngoài việc phối hợp nhiều lực lượng kiểm soát đồng bộ địa bàn, tăng cường vai trò của cảnh sát khu vực, đáng lưu ý công an TP.HCM sẽ tái lập lực lượng SBC huyền thoại (hiện đề án đã trình lên Bộ Công an). Bên cạnh, công an TP.HCM sẽ phối hợp với sở Du lịch, sở Tư pháp, lực lượng TNXP nghiên cứu, đề xuất thành lập lực lượng “bảo vệ du khách” hoạt động bán chuyên trách do công an huấn luyện nghiệp vụ và kinh phí hoạt động từ nguồn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đóng góp.
Điểm lưu ý khác, công an TP.HCM chỉ đạo các ban ngành liên quan nghiên cứu thành lập các CLB, đội, nhóm phòng chống tội phạm. Được biết, công an TP.HCM đã trao đổi với công an Bình Dương để tham khảo về mô hình “hiệp sĩ” ở tỉnh này, từ đó đề xuất cơ chế hình thành, quản lý mô hình tương tự tại TP.HCM.
Ngoài ra với mô hình trên, công an TP.HCM đang dự thảo văn bản đề nghị lãnh đạo TP chỉ đạo hiệp hội Doanh nghiệp TP chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, sở ngành có liên quan để thành lập quỹ “doanh nhân vì bình yên cuộc sống”.
Công an TP.HCM cũng khẳng định trong thời gian sắp tới sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kể cả điều chuyển, thay thế, đối với người đứng đầu các đơn vị yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, không triển khai nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm hoặc thờ ơ, thiếu trách nhiệm, đối phó, gian dối trong báo cáo tình hình tội phạm.