Tôi có tất cả chỉ nhờ nghề bán vé số
- Dược liệu
- 20:07 - 27/11/2017
Vé số giúp thoát nghèo bền vững
Anh Hùng kể, hàng ngày cứ mỗi sáng sớm, anh đạp xe đi khắp khu vực quận 1, quận 2, TP.HCM bằng chiếc xe đạp cà tàng, phía sau buộc một rổ đậu phộng luộc, cầm chiếc túi xếp đầy những xấp vé số bắt đầu một ngày mưu sinh của mình.
Dáng người nhỏ, gương mặt khắc khổ trông anh có vẻ già hơn cái tuổi 45 nhưng anh có cách nói chuyện khá cuốn hút và tự tin. Anh cho biết đã theo nghề bán vé số gần chục năm nay, sau mấy năm vào đời bằng nghề thợ hồ nhưng thất bại. Anh kể: “Hồi mới vô Sài Gòn lạ nước lạ cái, nhưng nhờ cái nghề này nó bắt mình phải đi nhiều, nên dần dà cũng biết nhiều. Giờ Sài Gòn như quê hương thứ hai của tôi”.
Anh Đào Văn Hùng bên chiếc xe đạp, công cụ đi bán vé số hàng ngày
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hùng chia sẻ: “Năm vừa rồi con gái lớn của tôi đã tốt nghiệp đại học Công nghiệp thực phẩm, mới xin được việc. Lãnh tháng lương đầu tiên được hơn 6 triệu, nó đưa tui 2 triệu, nói gởi về quê cho mẹ. Tôi không nhận, nói ba làm đủ rồi, vậy mà nó giận mất mấy bữa…”. Theo anh Hùng với chiếc xe đạp cà tàng mỗi ngày đi bán vé số dạo anh cũng kiếm được từ 8-10 triệu. Nhờ đó anh lo được cho hai con gái học đại học, lo cho cha mẹ và vợ ở quê.
Anh Hùng cũng cho biết thêm con gái nhỏ hiện đang học năm 2 trường đại học Kiến trúc TPHCM. “Nhà nghèo, nhưng được cái chị em nó siêng năng, học giỏi. Giờ tôi chỉ còn phải nuôi con em thôi, phần thu nhập còn lại để dành tính chuyện làm ăn sau này”, anh cười rất tươi, vẻ tự hào.
Gian nan “khởi nghiệp” bán vé số
Năm 1996, sau khi cưới vợ, anh Hùng đi làm thuê bằng nghề thợ hồ cho một chủ thầu xây dựng ở quê nhà. Anh cho biết làm nghề này chỉ có được 100 nghìn đồng chỉ đủ nuôi bản thân anh. Được một thờ gian anh nghe theo bạn bè vô Sài Gòn tiếp tục là nghề thợ hồ với mức lương cao gấp 3 lần ngoài quê, nhưng công việc bấp bênh, lúc có lúc không, có khi phải nghỉ cả nửa tháng. Anh tâm sự: Cái nghề “mồ hôi ráo thì tiền cũng cạn” ấy xem ra bạc bẽo lắm, lúc mình đau yếu, bệnh tật cũng không được nghỉ. Nên năm 2007, khi nhiều người quê ở Phú Yên vô Sài Gòn mở đại lý vé số, tôi được một người quen giới thiệu nhận vé số đi bán thử, rồi từ đó theo luôn cái nghề này.
Theo anh Hùng, cái nghề bán vé số tưởng “dễ ăn”, nhưng thực ra cũng cay cực lắm. Với chiếc xe đạp cà tàng, mỗi ngày anh phải chạy vòng vòng tính ra cũng phải đến 70km. Ngày nắng thì da cháy sạm, mặt mày đen nhẻm, nhưng cực nhất là những ngày mưa gió dầm dề, anh vẫn phải khoác tấm áo mưa mỏng manh, rẽ màn mưa mà đi bán. Hơn nữa, việc bán vé số còn đòi hỏi “cái duyên”, đâu phải ai chìa xấp vé số ra mời người ta cũng mua cho. Vậy là anh phải học, phải tập, phải suy nghĩ cách ăn nói như thế nào để cho thật “dễ thương”…
Nhớ lại những ngày đầu đi bán vé số anh Hùng cho biết mình được một người bạn đồng hương thương tình nên chia lại một sấp vé số và dặn “Cứ chịu khó đi mời người ta sẽ mua ủng hộ, khi nào bán được có tiền hễ trả cho tôi”. Cầm xấp vé số trên tay anh Hùng vừa cảm ơn, vừa thắc mắc tại sao bạn chỉ đưa vé số chỉ xổ đài TP.HCM. Anh bạn tận tình giải thích: “Ông mới đi bán nên bán vé đài TP.HCM vì đài này rất nhiều người mua”. Quả thật tôi đi một con đường là hết 30 tờ vé, rồi từ đó theo luôn cái nghề này.
Thế nhưng phải mất cả năm trời làm quen với nghề, anh Hùng mới kiếm được một số “mối quen” mua vé số của mình. Nhờ đó mà lượng vé số bán ra hàng ngày từ năm thứ hai trở đi tăng lên rất nhanh, từ trung bình 200 tờ mỗi ngày, đến giờ đã lên tới 300, thậm chí có những ngày bán được tới 450 tờ, nhất là những ngày có đài TP.HCM xổ. Tiền kiếm được anh đưa về nhà mua một con bò cái, rồi cho vợ thuê cả chục công đất để làm ruộng. Cứ 2 tháng một lần anh lại mang 20 triệu về nhà. Giờ đây, từ con bò đầu tiên, nhà anh đã có tới 5 con, căn nhà cũ cũng đập đi xây mới khang trang. Cơn bão số 12 vừa rồi, nhiều nhà xung quanh bị hư hại, nhưng riêng nhà anh thì chẳng suy suyển gì. Anh Hùng say sưa kể về công việc, cuộc sống của mình.
Anh Hùng còn cho biết, ở quê anh một thời đã rộ lên “phong trào” mọi người kéo vào Sài Gòn bán vé số. Vì thế mà ở ngoài quê bây giờ hầu như chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em. Có những đôi vợ chồng mới cưới cũng dắt nhau vào cùng đi bán vé số, cứ vài tháng lại mang về nhà 40-50 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống ở quê anh hiện giờ đã trở nên khấm khá, không riêng gì con anh, mà con cái nhiều gia đình khác cũng được đi học đại học, nhiều gấp hàng chục lần so với 5,10 năm trước.