Hậu bão số 12: Người bán vé số Sài Gòn “cứu trợ” cho người thân
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:44 - 21/11/2017
Đó cũng là lúc mà nhiều người con Phú Yên tha phương cầu thực ở Sài Gòn hướng tấm lòng về quê nhà với sự lo lắng, cảm thương. Ai cũng muốn đóng góp một phần công của để người thân ở quê nhà sớm vượt qua cơn hoạn nạn.
Đặc biệt, với “cộng đồng” người Phú Yên đang hành nghề bán vé số ở TP.HCM, nỗi lo càng tăng lên gấp bội, vì hầu hết gia đình họ ở quê đều nghèo, nhà cửa xập xệ, khó lòng đứng vững trước trận cuồng phong tàn khốc đã qua.
Hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, tang hoang, hoa màu ngã đổ trong cơn bão số 12.
Hướng về khúc ruột miền Trung
Ngay sau khi bão tan, nhiều “xóm vé số” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh – nơi tập trung nhiều người quê Phú Yên sinh sống, trở nên vắng vẻ hẳn. Trên những con đường, người đi bán vé số cũng thưa thớt hơn. Chúng tôi bèn hỏi một người bán vé số dạo gặp bên đường, chị tên Tâm, quê thị trấn Phú Lâm, huyện Đông Hòa, chuyên bán vé số ở khu vực quận 3, thì mới biết: Chỉ riêng xóm trọ của chị (ở đường Nguyễn Trãi, quận 1) đã có hàng chục người vội vã trở về quê trong ngày 5 và 6/11. “Nghe tin ngoài quê bão lũ tàn phá dữ quá, chẳng ai còn bụng dạ nào để làm ăn nữa. Cánh đàn ông trai tráng về hết, mang theo tiền để “cứu trợ”, rồi còn chuẩn bị sức lực để dựng lợp lại nhà cửa. Chỉ còn cánh đàn bà con gái ở lại tiếp tục bán vé số, nhưng cũng nhờ người quen đem tiền về cho gia đình”, chị Tâm cho biết.
Ông Hội đã có thâm niên 6-7 năm bán vé số dạo.
Một chiều cuối tháng 11, chúng tôi gặp ông Đào Văn Hội, quê ở huyện Đông Hòa, khi ông đang lầm lũi bước trên con đường Nguyễn Đình Chiểu với xấp vé số trên tay. Ông cho biết, vừa về quê và ở lại một tuần để giúp cha mẹ, vợ con sửa sang nhà cửa, sáng sớm mới vô tới Bến xe miền Đông, vội vã lấy vé số đi bán.
“Tui vô Sài Gòn một mình, bán vé số được 6-7 năm nay rồi. Trước đây khi bình thường thì cứu 2-3 tháng tui gởi tiền về quê một lần, mỗi lần khoảng 20 triệu đồng, phần phụ giúp vợ và cha mẹ già có tiền mua rau cá, phần chu cấp cho 2 đứa con đi học. Lần này, bão ập đến đột ngột, tui mới để dành được hơn 15 triệu, cũng đem về hết. Nói thiệt, không có tiền của tui đem về thì không biết gia đình ở ngoài đó phải xoay xở thế nào”, anh vừa quệt mồ hôi vừa kể, giọng còn run run.
Theo ông Hội, ở khu vực quanh nhà anh cũng có hàng chục người làm nghề bán vé số ở Sài Gòn trở về, mỗi người đều mang về cả chục triệu đồng, nhưng quan trọng hơn, họ mang về cho người thân sự tiếp sức, động viên tinh thần rất quan trọng. Bởi “ở ngoài quê giờ chỉ còn toàn phụ nữ, trẻ em và người già, vì hầu hết thanh niên, phụ nữ trẻ đều vô Sài Gòn kiếm sống hết. Lâu lâu đón người đi xa về, người ở nhà mừng khôn xiết”, anh Hội nói.
Nhờ có nguồn tiền “ứng cứu” kịp thời từ những người thân bán vé số ở Sài Gòn, mà rất nhiều gia đình ở các làng quê tỉnh Phú Yên đã sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai. “Đến hôm qua, nhà cửa đã cơ bản sửa xong, ruộng vườn cũng bắt đầu có thể làm đất để trồng trọt, con cái đã đi học trở lại, sức khỏe cha mẹ tạm ổn, vậy là tui lại lên đường trở vô Sài Gòn, tiếp tục bán vé số kiếm sống”, anh Hội cho biết, đi cùng chuyến xe với anh còn có gần 20 “đồng nghiệp”, cũng là đồng hương.
“Nghề bán vé số dạo dù nắng dù mưa cũng không dám nghỉ lâu. Bởi nghỉ một ngày là vợ con mình ở nhà mất mấy ngày ăn. Phải ráng chịu cực chịu khổ mà “cày” thôi!”, anh Hội chia sẻ như vậy trước khi chia tay. Nhìn bóng anh mờ dần giữa làn khói bụi của phố phường Sài Gòn, chợt tôi thấy cay cay nơi khóe mắt…