Tội ác ngoài vòng luật pháp
- Pháp luật
- 21:51 - 22/01/2015
Còn nhớ doanh nghiệp nọ bỏ ra mấy chục tỷ để mua đội bóng, với tiêu chí rất rõ ràng: Góp phần thúc đẩy thể thao tỉnh nhà phát triển, giúp bà con địa phương được xem bóng đá vào những ngày cuối tuần.
Ngày ra mắt đội bóng rình rang lắm, náo nhiệt lắm. Những lời tụng ca bốc lên tận mây xanh, những lời hứa hẹn như đinh đóng, khắc cốt ghi xương làm cho nhiều người sung sướng cảm động nước mắt rơi lã chã. Quả là doanh nhân có trái tim Bồ Tát đem niềm vui đến cho đồng bào nghèo ở địa phương nghèo.
Đúng như ai đó nói: Ý định tốt đẹp chưa thể làm ra được sản phẩm tốt. Niềm vui của dân địa phương nọ cũng chẳng được bao lăm, bởi doanh nhân kia dở chứng: Giải thể đội bóng!.
Thế là tiền mua đội bóng, tiền mua cầu thủ, tiền thuê huấn luyện viên, tiền đào tạo các đội trẻ và muôn vàn chi phí bà rằn khác, mấy chục tỷ, không, mấy trăm tỷ đồng đổ xuống sông, xuống biển. Dân nghèo nhìn thấy cảnh trên lòng đau như cắt, chẳng phải vì không được xem bóng đá mà vì niềm tin bị đánh cắp.
Ảnh minh họa.
Có người ngửa mặt than trời: Phải chi số tiền trên đầu tư cho hộ nghèo làm ăn, sẽ giúp hàng ngàn hộ xóa được cái đói, thoát được cái nghèo. Nói là của doanh nhân kia, nhưng đó là mồ hôi nước mắt của người lao động, tài nguyên của đất nước mới có những đồng tiền trên.
Trong làng bóng đá Việt trường hợp trên không phải là cá biệt. Rất nhiều địa phương, rất nhiều doanh nghiệp bỏ đội bóng như trở bàn tay. Ai cũng biết có được một đội bóng tốn biết bao công sức tiền của. Nhưng họ đâu có tiếc, xem đó như của trời ơi đất hỡi.
Lãng phí là tội ác. Nhưng xem ra hành vi phạm pháp này ít được các cơ quan thực thi pháp luật để mắt tới. Đây là nghịch cảnh. Trong khi có người tham lam của công quỹ vài trăm, thậm chí chỉ vài chục triệu đồng bị bỏ tù, thì những kẻ đổ ra sông, ra biển hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng vẫn cứ bình an vô sự.
Như đội bóng kia giải tán, hàng chục người mất việc, nhất là những đứa trẻ phải bỏ học bóng đá giữa chừng, tương lai mù mịt, doanh nhân kia có chạnh lòng?