“Tóc xanh – Vạt áo”: Người trẻ tiên phong gìn giữ những giá trị văn hóa xưa
- Văn hóa - Giải trí
- 18:00 - 11/01/2021
Năm 2020 là một năm tỏa sáng của văn hóa cổ phong Việt Nam cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều hội nhóm những bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống Việt Nam đã ra đời.
Nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ Văn hóa, Tóc xanh– Vạt áo là ngày hội Việt phục do các hội nhóm yêu thích cổ phong, cổ phục Việt Nam kết hợp với Trường ĐH KHXH&NC tổ chức. Sự kiện diễn ra xuyên suốt ngày 10/1 với nhiều hoạt động ý nghĩa: trình diễn cổ phục, các gian hàng cổ phong, talkshow "Hành trình phục dựng mũ miện triều Nguyễn", talkshow "Đối thoại những thương hiệu Áo dài cổ truyền", talkshow "Đưa văn hóa dân gian Việt Nam ra thế giới" và đêm Gala tái hiện Điển lễ sách phong hoàng hậu triều Nguyễn.
Sự kiện lấy cảm hứng từ chính hình tượng những người trẻ, những người đam mê khôi phục những giá trị văn hoá cũ qua từng vạt áo.
Tìm về những giá trị văn hóa truyền thống
Tại ngày hội, các hội quán yêu thích cổ phong đã mở ra 12 gian hàng triển lãm các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Gian hàng Vương Sư Kiên Duệ đặc sắc với nghệ thuật cung nỏ truyền thống, gian hàng Đại Nam Hội Quán truyền tải phong tục tập quán của người Nam Kỳ xưa: dàn đờn, cách trưng bày thờ cúng. Gian hàng của Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Ỷ Vân Hiên, Hoa Niên… thì trưng bày các loại trang phục cổ triều Nguyễn như áo ngũ thân, áo giao lĩnh, long bào và trang phục các phi tần thời xưa.
Được trải nghiệm các hoạt động truyền thống, nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú. Bạn Trần Thị Hương Nhu – sinh viên Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ: "Đây là một trải nghiệm ý nghĩa đối với em vì không chỉ được học thêm kiến thức mới mà em còn gặp được những người chung sở thích với mình".
Ứng dụng văn hóa Việt trong đời sống hiện đại
Tóc xanh– Vạt áo là sự kiện về Việt phục lớn nhất Miền Nam. Trong buổi Gala diễn ra cùng ngày, anh Tôn Thất Minh Khôi, đồng trưởng ban tổ chức chia sẻ: "Tôi muốn đưa áo dài đến với các trường Đại học vì hiện nay, chiếc áo dài đang bị tấn công bởi chính người Việt". Đồng thời anh đề xuất phương án ứng dụng văn hóa Việt trong những sản phẩm nghệ thuật văn hóa hiện đại vì đây là cách truyền bá rộng rãi nhất.
Nhà thiết kế Phan Anh Tuấn, giảng viên khoa Thiết kế thời trang Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nổi tiếng với nhiều bộ thiết kế mang phong cách Á Đông từng đem rùa đội hạc – một hình tượng rất riêng của Việt Nam vào các bộ thiết kế trình diễn ở sân khấu quốc tế. Trong việc giảng dạy, anh thường lồng ghép thêm các tư liệu, hình ảnh về văn hóa Việt Nam với phương châm "Cho thế giới thấy được văn hóa Việt Nam nhưng vẫn mang sắc thái hiện đại".
Tiến sĩ Đoàn Thành Lộc – nhà nghiên cứu cổ phục tâm huyết: "Chúng ta đừng yêu cảm tính mà hãy yêu thực tế. Hãy mặc một chiếc áo dài và cảm nhận". Anh khẳng định: "Những dự báo về tương lai của cổ phong rất tươi sáng, vì nó đang tấn công đến xã hội cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Nhưng đó chỉ là dự báo, tương lai của cổ phong phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của các bạn."
Khi được khỏi về khó khăn trong quá trình đem văn hóa cổ phong vào MV, đạo diễn Kawaii Tuấn Anh bộc bạch: "Dù mất thời gian dài để tổng hợp tư liệu nhưng mình không thấy khó khăn vì được vượt ra giới hạn của bản thân. Sau mỗi bước đi, mình và ekip hạnh phúc vì nhận ra ai cũng làm được một điều ý nghĩa".
Ngày hội kết thúc với hoạt động tái hiện Điển lễ sách phong hoàng hậu triều Nguyễn, được biểu diễn bởi các sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Điển lễ sách phong hoàng hậu triều Nguyễn - Ảnh: Thu Trang
Tuần lễ Văn hóa "Sóng đôi" là hoạt động trọng điểm của Đoàn trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG–HCM hướng đến mục tiêu giáo dục văn hóa thưởng thức và ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống cho đoàn viên thanh niên thời đại ngày nay. Sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM (26/3/1931) và 25 năm thành lập Đoàn trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG – HCM (1996-2021).