"Tình yêu Hà Nội" lần thứ 13: Tôn vinh 3 nhạc sĩ nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật
- Văn hóa - Giải trí
- 17:09 - 10/12/2020
Đêm nhạc có 2 phần: Kỷ niệm 48 năm chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" và tôn vinh các tác phẩm âm nhạc của 3 nhạc sĩ.
Ở phần đầu có tên gọi "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", khán giả sẽ được thưởng thức 5 ca khúc nổi tiếng về Hà Nội: Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Hà Nội những đêm không ngủ (Phạm Tuyên), Hà Nội của tôi (Tiến Minh), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân).
Ở phần 2, chương trình sẽ tôn vinh 3 nhạc sĩ với các sáng tác nổi tiếng. Đó là 6 tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Dương: Độc tấu violon "Hát ru", ca khúc Ru lại tình sau, Tiếng hát anh tìm em, Tiếng mưa rơi, Hướng về Hà Nội, độc tấu cello "Tiếng hát sông Hương". 6 tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Lời ru trống đồng, Lời ru mùa đông, độc tấu piano Chùm hoa Việt Nam, Hà Nội mưa mùa đông, Bên dòng sông năm tháng, Trăng chiều. 6 tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thiết: Song tấu flute và piano Rừng gọi Hà Nội thu, Nghe câu quan họ trên cao nguyên, Lời sóng hát, Tiếng hát bên bờ sông Trà, Khúc tráng ca biển.
Các tác phẩm âm nhạc này sẽ do các nghệ sĩ như: Minh Chuyên, Đăng Thuật, Hoàng Quyên, Lương Nguyệt Anh, nhóm Pha lêm, nhóm Thăng Long, nhóm Ngũ Lão, Hợp xướng Hà Nội Harmoni, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Tetsuji Honna... biểu diễn.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, điểm nhấn của chương trình là sau 13 lần tổ chức, đây là lần đầu tiên có dàn nhạc giao hưởng tham gia. Trong khi đó, với kinh phí eo hẹp, việc mời dàn nhạc giao hưởng là xa xỉ và rất khó thực hiện. Tuy nhiên, với mối quan hệ thân tình của nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân (con trai nhạc sĩ Ngô Hoàng Dương), đêm nhạc sẽ có thêm những thanh âm sang trọng và đẳng cấp.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình đã nhiều lần tạm hoãn và phải đến thời điểm này mới dám ra mắt. Tuy nhiên, những người thực hiện cũng thấp thỏm lo âu vì mấy ngày vừa qua, dịch bệnh đã thêm phức tạp. Để phòng tránh lây lan virus Corona, BTC sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như yêu cầu khán giả đeo khẩu trang khi đến Nhà hát Lớn và rửa tay sát khuẩn.
Chia sẻ tại buổi họp báo, nhạc sĩ Nguyễn Bá Môn, Chánh Văn phòng Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết, đêm nhạc lần này là một chương trình thiên về âm nhạc giao hưởng thính phòng với các tác phẩm khí nhạc. Các nhạc sĩ được lựa chọn tôn vinh lần này đều là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội và là 3 nhạc sĩ nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Nhạc sĩ Vũ Thiết; Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc; Nhạc sĩ Hoàng Dương
Trong đó, nhạc sĩ Ngô Hoàng Dương (1933-2017) là nhà sư phạm, đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn và người sáng tác âm nhạc có tên tuổi. Ông là người có công đầu trong việc xây dựng bộ môn violoncello và khoa Đàn dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Trong phần tôn vinh nhạc sĩ Hoàng Dương, người con trai trưởng của ông-NSND Ngô Hoàng Quân cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ độc tấu cello bài "Tiếng hát sông Hương", con trai thứ của ông-NSƯT Ngô Hoàng Linh sẽ độc tấu violon tác phẩm "Hát ru" của cha mình.
PGS, NGND Hoàng Dương đã được tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt II-năm 2007.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (1953) là nhạc sĩ được đào tạo chính quy chuyên ngành Sáng tác và Biểu diễn piano tại Nhạc viện Hà Nội. Ông từng tu nghiệp ở Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp).
Ngoài viết cho nhạc giao hưởng thính phòng, ông còn viết hàng trăm ca khúc và romances. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho nhiều phim truyện và nhiều vở diễn sân khấu như các phim nhựa: Ngõ hẹp, Người đàn bà nghịch cát, Tướng về hưu, Dòng sông hoa trắng...
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã được tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012.
Nhạc sĩ Vũ Thiết (1956) tốt nghiệp khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội và đầu quân cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông đi nhiều, viết nhiều và ở mỗi nơi đi qua, ông đều để lại những tác phẩm ghi dấu trong lòng công chúng: Đó là một Tây Nguyên khỏe khoắn, phiêu du, một Bắc Ninh lãng mạn, mộng mơ, một Trường Sa - Hoàng Sa dữ dội, sâu lắng...
Ông đã xuất bản tuyển tập ca khúc và album nhạc có tên: Bồng bềnh cung bậc. Ngoài ca khúc, ông còn viết giao hưởng thơ Khát vọng Bazan, sonate cho violon, cello và piano, tiểu phẩm cho đàn bầu và dàn nhạc...
Nhạc sĩ Vũ Thiết đã được tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016.