Toàn thế giới đã ghi nhận hơn 529 triệu ca nhiễm COVID-19
- Y học 360
- 12:18 - 26/05/2022
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 26/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 529.398.984 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.305.104 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 527.711 và 1.259 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 499.911.977 người, 23.181.903 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 37.929 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Triều Tiên dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 115.980 ca; Mỹ đứng thứ hai với 51.444 ca; tiếp theo là Đức (47.176 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới với 154 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 147 ca và Italy 137 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 85.309.964 người, trong đó có 1.029.712 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.144.260 ca nhiễm, bao gồm 524.507 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.846.602 ca bệnh và 666.037 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 195,8 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 154,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 100,86 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,45 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12,12 triệu ca và châu Đại Dương trên 8,5 triệu ca nhiễm.
Hãng tin Triều Tiên KCNA cho biết, theo thông tin từ trụ sở cơ quan phòng chống dịch khẩn cấp của nhà nước, ngày 25/5, hơn 115.970 người dân nước này đã bị sốt (giảm khoảng 18.540 người so với ngày hôm trước), 192.870 người hồi phục (giảm 20.810 người so với ngày hôm trước ) và không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận từ 18h ngày 23/5 đến 18h ngày 24/5 trên cả nước.
Tính đến 18h ngày 24/5, kể từ cuối tháng 4, tổng số người bị sốt là hơn 3.064.880 người, trong đó 2.741.470 người (chiếm 89,448%) đã hồi phục và ít nhất 323.330 người (10,55%) đang được điều trị.
Bộ Y tế Đức sẽ nới lỏng các quy định về COVID-19 đối với người nhập cảnh vào Đức từ ngày 1/6. Tập đoàn truyền thông Funke dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết, nước này sẽ ngừng áp dụng quy định 3G đối với người nhập cảnh vào Đức cho đến cuối tháng 8. Theo đó, du khách khi nhập cảnh vào Đức không cần có chứng nhận tiêm chủng, đã khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gồm tiêm chủng, phục hồi sau nhiễm virus hoặc xét nghiệm âm tính sẽ dừng áp dụng cho tới tháng 8 năm nay.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Đức cũng dự định công nhận tất cả vaccine ngừa COVID-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận, ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) chưa phê duyệt. Theo số liệu của Robert Koch, số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức đang giảm dần. Ngày 24/5, nước này ghi nhận 64.437 ca mắc COVID-19, ít hơn 21.815 ca so so với 1 tuần trước đó.
Ngày 25/5, nhà chức trách New Zealand thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm dòng phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron trong cộng đồng.
Bộ Y tế New Zealand cho biết, ca nhiễm sống tại Vịnh Hawke's, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 10/5. Trường hợp này không có mối liên quan đến yếu tố nước ngoài. Dòng phụ này của biến thể Omicron đang là biến thể chủ đạo khiến dịch bệnh lây lan tại Mỹ và được phát hiện ở các trường hợp nhập cảnh tại New Zealand trong nhiều tuần. Thống kê cho thấy New Zealand đã ghi nhận 29 trường hợp nhập cảnh nhiễm dòng phụ BA.2.12.1 này kể từ tháng 4, nên việc dòng phụ này lây lan trong cộng đồng cũng không nằm ngoài dự đoán của nhà chức trách.
Cùng ngày, Chính phủ Brunei cho biết giai đoạn bệnh đặc hữu sớm của nước này sẽ kết thúc vào ngày 31/5 và nhà chức trách sẽ cập nhật hướng dẫn về các biện pháp kiểm soát COVID-19, bắt đầu từ tháng 6.
Ủy ban này cho biết, quyết định trên được đưa ra dựa trên thực tế tình hình dịch COVID-19 tại nước này đã ổn định, tỷ lệ tiêm chủng cao và số giường bệnh còn trống tại các trung tâm cách ly trong nước ở mức cao. Hiện Chính phủ Brunei vẫn đang theo dõi và xem xét dỡ bỏ các hạn chế khác như việc quét mã và mở cửa biên giới để đạt được mục tiêu đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra đại dịch. Các quyết định sẽ sớm được công bố trong vài ngày tới. Trong ngày 24/5, Brunei ghi nhận 246 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 147.021 trường hợp. Hiện Brunei có 1.633 ca bệnh đang được điều trị và theo dõi và 145.166 trường hợp bình phục. Tính đến ngày 23/5, khoảng 69,7% dân số Brunei đã được tiêm 3 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Tổng thống Joko Widodo cũng cho biết, số ca mắc COVID-19 hằng ngày ở Indonesia đã giảm mạnh, từ mức cao nhất 64.000 ca/ngày xuống còn 345 ca/ngày vào ngày 24/5. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức 5,01% và lạm phát ở mức an toàn là 3,5%.