THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:48

Cập nhật COVID-19 thế giới: Triều Tiên ghi nhận số ca mắc mới cao nhất

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 527.467.233 ca, trong đó có tổng cộng 6.300.197 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 497 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 38 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 22/5, thế giới có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 38 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế tăng trở lại.

Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Triều Tiên là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 186.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 80 ca.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 37 ca tử vong. Trong ngày 22/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 4.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (31 ca).

   

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi siêu thị tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 16/5/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi siêu thị tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 16/5/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

VTV cũng đưa tin, theo số liệu của CDC châu Phi, lục địa này đã chứng kiến mức tăng trung bình 36% số ca mắc mới COVID-19 mới trong 4 tuần vừa qua, với các khu vực Trung Phi và Đông Phi báo cáo mức tăng số ca mắc mới lần lượt là 113% và 54%. Năm quốc gia châu Phi báo cáo số ca nhiễm mới COVID-19 được xác nhận cao nhất trong tuần qua gồm Nam Phi 50.404 ca, Tanzania 1.482, Namibia 1.054, Zimbabwe 910 và Burundi với 817.

Kể từ ngày 23/5, việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng ở Bỉ như tàu điện, tàu điện ngầm, xe bus, tàu hỏa, xe taxi. Ủy ban Tham vấn quốc gia về COVID-19 Bỉ (CODECO) quyết định, người dân chỉ bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tại các phòng mạch tư như nha khoa, trị liệu, tâm lý, nếu không thể đảm bảo khoảng cách 1,5 m, người dân vẫn được khuyến nghị đeo khẩu trang.

Ủy ban Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) khuyến cáo, trẻ em từ 5-11 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, đặc biệt là trẻ em có bệnh nền. Do đó, tiêm phòng sẽ giúp giảm hiệu quả tỷ lệ mắc bệnh. STIKO cho biết, trẻ em và thanh thiếu niên nếu mắc COVID-19 thường chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, một số biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt đối với trẻ em bị bệnh nền.

Đức khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. (Ảnh: AP)

Đức khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. (Ảnh: AP)

 

Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy khẳng định, quốc gia này "rất lạc quan" chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn lời Bộ trưởng Muhadjir nhắc lại rằng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã cho phép người dân không mang khẩu trang, đặc biệt là ở các địa điểm ngoài trời. Trong 3 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã giảm về tổng thể, dù còn tăng ở một số thành phố như Jakarta. Tuy nhiên, sự gia tăng này không theo "cấp số nhân".

Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm đối phó với COVID-19, tính đến ngày 22/5, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng trên 6,05 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm 156.522 người thiệt mạng.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhận định, tình hình dịch COVID-19 tại nước này đã ổn định và được kiểm soát. Theo số liệu từ Trung tâm Xử lý dịch bệnh khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, từ 18h ngày 20/5 đến 18h ngày 21/5, nước này ghi nhận hơn 186.000 trường hợp bị sốt. Đây được xem là tín hiệu tích cực khi lần đầu tiên số ca có triệu chứng bệnh giảm xuống dưới 200.000 trường hợp mỗi ngày.

Hồi đầu tháng 5, Triều Tiên xác nhận có ca mắc COVID-19 đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát khắp thế giới hơn 2 năm trước. Trong ngày 22/5, Triều Tiên ghi nhận khoảng 186.000 ca sốt, nâng tổng số trường hợp này từ cuối tháng 4 đến nay lên hơn 2,64 triệu người. Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên cũng cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 67 người.

Hàn Quốc sẽ kéo dài quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với bệnh nhân COVID-19 thêm 4 tuần, cho đến ngày 20/6. Tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về dịch bệnh như các biến thể mới, khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm vaccine suy giảm. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, ngày 22/5, Hàn Quốc đã ghi nhận 19.298 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh từ khi bùng phát dịch lên trên 17,95 triệu trường hợp.

  

Tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

 

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới từ mùa hè này, theo đó phân loại các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài thành 3 nhóm dựa trên kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính tại các sân bay.

Theo hệ thống phân loại, Nhật Bản sẽ miễn xét nghiệm COVID-19 đối với những người nhập cảnh đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ dương tính với COVID-19 thấp nhất, bất kể tình trạng tiêm chủng. Đối với những du khách đến từ nhóm các nước có tỷ lệ dương tính thấp thứ hai, Nhật Bản sẽ không yêu cầu xét nghiệm và cách ly nếu đã tiêm 3 mũi các loại vaccine phòng COVID-19 được chính phủ cấp phép. Những người đến từ các khu vực có tỷ lệ dương tính cao nhất sẽ phải thực hiện các thủ tục hiện hành, bao gồm cả xét nghiệm và cách ly sau khi đến.

Hiện tại tất cả người nhập cảnh, bao gồm công dân Nhật Bản, phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 hoặc các chứng nhận xét nghiệm khác được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và thực hiện xét nghiệm nhanh tại sân bay khi đến Nhật Bản.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh