Ngân hàng Thế giới chi thêm 12 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu
- Tây Y
- 14:44 - 23/05/2022
Cụ thể, 30 tỷ USD sẽ bao gồm 12 tỷ USD cho các dự án mới, hơn 18 tỷ USD cho các dự án liên quan đến thực phẩm và dinh dưỡng sẵn có đã được phê duyệt nhưng chưa được giải ngân,WB cho biết.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass tuyên bố, việc tăng giá lương thực đang có tác động tàn phá đối với những người nghèo và dễ bị tổn thương. Để cung cấp thông tin và ổn định thị trường, điều quan trọng là các nước phải tuyên bố rõ ràng ngay bây giờ về việc tăng sản lượng trong tương lai để đối phó với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Trước đó, WB đã công bố tài trợ 18,7 tỷ USD cho các dự án sẽ được thực hiện trong 15 tháng tới ở châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, và Nam Á.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế nhằm vào Moscow đã làm gián đoạn nguồn cung cấp lúa mì và các loại lương thực khác từ cả hai nước, đồng thời đẩy giá nhiên liệu và dầu diesel lên cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Ngoài Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu có kế hoạch cung cấp 500 triệu euro (523,50 triệu USD) cho các kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực và tài trợ thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, nằm trong gói 2 tỷ Euro dành cho Ukraine và các nước láng giềng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Ngày 20/4/2022, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết căng thẳng Nga - Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao, tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023.
Trước đó, Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đưa ra cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng với giá cả tăng vọt và hàng triệu người có nguy cơ thiếu ăn nghiêm trọng giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa nguồn cung các lương thực cơ bản, như lúa mì, ngô...