THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:54

Quyền lợi của sinh viên có bị ảnh hưởng?

 

Sau 4 năm bị đình chỉ tuyển sinh, hiện tại Trường ĐH Hùng Vương TP.Hồ Chí Minh chỉ còn 50 sinh viên (SV) đang theo học. Trong đó, có 9 SV hệ chính quy đang học khoa Xây dựng, ngoài ra phần đông là SV học hệ vừa học, vừa làm. Gần đây, thông tin Trường ĐH Hùng Vương chấm dứt hợp đồng với gần như toàn bộ giảng viên, khiến cho các SV đang theo học hoang mang.

 

Trường ĐH Hùng Vương TPHCM tại địa chỉ 736 đường Nguyễn Trãi, quận 5
Trường ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh tại địa chỉ 736 đường Nguyễn Trãi, quận 5

 

P, sinh viên chính quy theo học năm cuối ở trường cho biết: “Khi nghe tin, chúng em rất lo lắng bởi đang trong quá trình bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Nếu đến tháng 4 ngưng hết giảng viên, cán bộ công chức thì liệu sau thời gian đó ai sẽ duyệt đồ án, cấp bằng, ai sẽ ký văn bằng cho sinh viên tụi em và liệu bằng đó có hợp pháp hay không?

Chúng em đã đến gặp nhà trường với mong muốn trường cam kết đảm bảo cho chúng em ra trường đúng thời hạn và cấp bằng hợp pháp. Phía cô Kiều An, Phó hiệu trưởng, cũng như Phòng đào tạo cũng cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi nên tụi em tạm yên tâm phần nào”.

P. cho biết mình học khóa 11 và các năm học đầu tiên diễn ra êm đềm, chỉ đến cuối năm 2 thì trường lùm xùm với các mâu thuẫn nội bộ. Hiện tại các sinh viên này đã hoàn thành xong các môn học và đang trong quá trình làm đề án tốt nghiệp. Dự kiến giữa tháng 3 này, 9 sinh viên này sẽ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. P. tâm sự: “Chúng em cố gắng để ra khỏi trường sớm và rất sợ gia đình biết chuyện trường có nguy cơ giải tán sau khi cho giảng viên nghỉ hết”.

Trước những lo lắng của người học, ông Mạch Trần Huy, Phó trưởng phòng pháp chế kiêm Trợ lý phó hiệu trưởng thường trực trường ĐH Hùng Vương TP.Hồ Chí Minh khẳng định: “Vẫn đảm bảo quyền lợi của SV hiện vẫn đang học tại trường, các em này sẽ được bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra trường vẫn xây dựng một đội ngũ nòng cốt để đảm bảo việc quản lý nhà trường đồng thời toàn bộ cán bộ, giảng viên vẫn làm việc đến ngày 5/4”.

Ông Huy cho rằng “theo văn bản của Bộ GD&ĐT, đến hết ngày 31/8, mới xem xét trường đã khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh trong nhiều năm vừa qua hay chưa. Nếu không khắc phục như đề nghị thì mới xem xét đình chỉ hoạt động của trường chứ không phải đến 31/8, nhà trường ngừng hoạt động”.

 

Ông Mạch Trần Huy (người ngồi giữa) trả lời phóng viên báo đài
Ông Mạch Trần Huy (người ngồi giữa) trả lời phóng viên báo đài

 

Cũng theo ông Mạch Trần Huy, chiều ngày thứ hai vừa qua, lãnh đạo trường cùng các phòng ban chức năng đã có buổi làm việc với các em sinh viên. Việc trường chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ giảng viên hiện chỉ mới là trên phương diện đối với quan hệ lao động chứ không phải chấm dứt hoạt động của trường.

Trước việc sinh viên lo lắng, hoang mang khi mang bằng tốt nghiệp của trường sẽ gặp khó khăn khi xin việc, ông Huy đổ lỗi rằng “từ năm 2012 trở lại đây nhiều thông tin trên báo chí về trường đã làm ảnh hưởng đến sinh viên. Tuy nhiên sinh viên vẫn đi xin việc được bằng chứng là từ năm 2012 đến nay thì mấy nghìn sinh viên của trường vẫn đi làm bình thường, ngay cả sinh viên khoa Quản trị bệnh viện vẫn có việc làm tại các bệnh viện”. Theo ông Huy, quan trọng là đơn vị tuyển dụng hiểu được bản chất vấn đề và họ đánh giá năng lực sinh viên.

Trước đó Dân trí đã thông tin, trong ngày 25/2, ông Đặng Thành Tâm với tư cách chủ tịch HĐQT nhà trường đã ký 79 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người đồng ý theo thỏa thuận. Theo đó, có 78 người sẽ thôi việc từ ngày 5/4 và một người đã thôi việc ngày 20/1. Đồng thời, ông Tâm cũng đã ký ba quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với người cao tuổi vào ngày 22/2.

Đối với 26 cán bộ, giảng viên không đồng ý thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động thì ông Tâm cũng thông báo sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngay sau đó, 26 người này đã gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi để nhờ can thiệp vì cho rằng ông Đặng Thành Tâm thông báo và ra quyết định như vậy là trái pháp luật.

Trong một diễn biến khác, bà Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực của trường cho rằng vấn đề mấu chốt là Bộ GD&ĐT, UBND TP.Hồ Chí Minh phải cho phép trường tổ chức Đại hội đồng cổ đông để giải quyết vấn đề tổ chức của nhà trường. Khi đó mới bầu được HĐQT mới rồi từ đó mới bầu ra một hiệu trưởng mới và được công nhận thì mới đưa hoạt động của trường vào khuôn khổ.

Theo Dân Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh