THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:46

Tòa phúc thẩm kiến nghị giảm án chung thân cho ông Hà Văn Thắm

 

Sau hai tiếng đọc bản án, tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên tội danh và hình phạt với các bị cáo Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank), Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc), Nguyễn Văn Hoàn (cựu phó tổng giám đốc Oceanbank), Phạm Công Danh (cựu chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh), Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch Công ty Phú Mỹ) cùng toàn bộ giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank.

Trong số 26 bị cáo chống án, cấp phúc thẩm chỉ giảm mức hình phạt cho sáu lãnh đạo khối hội sở Oceanbank gồm: Lê Thị Thu Thủy, Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Hoài Nam, Vũ Thùy Dương, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Thu Ba.

HĐXX phúc thẩm đánh giá "thực chất không phải các bị cáo kháng cáo kêu oan mà có chăng cho rằng cấp sơ thẩm truy tố, xét xử không đúng tội danh". Tại phần thẩm vấn, các bị cáo nhiều lần "nhắc đi nhắc lại cho rằng, với hành vi ấy, hậu quả ấy, nếu cấp sơ thẩm truy tố và xét xử tội cố ý làm trái thì các bị cáo không kháng cáo".

Kiến nghị giảm án tử hình cho ông Nguyễn Xuân Sơn 

HĐXX nhận định ông Sơn không oan nên giữ nguyên như quyết định của bản án sơ thẩm. HĐXX đánh giá bị cáo Sơn đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong giai đoạn phúc thẩm. Hơn nữa, bản thân bị cáo cũng như gia đình có rất nhiều thành tích trong công tác, có công với cách mạng.

Mặt khác, bản án ghi nhận ngày 2/5, vợ bị cáo Sơn đã nộp 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho chồng. Hiện, bị cáo còn nhiều tài sản nhưng đang bị kê biên. Cấp phúc thẩm nhìn nhận ông Sơn đã thể hiện ý thức sớm được khắc phục hậu quả nên kiến nghị cơ quan thi hành án dân sự phân định tài sản sớm để gia đình cùng ông Sơn khắc phục hậu quả.

"Tòa Cấp cao cũng sẽ kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét giảm hình phạt cho ông Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo Sơn khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả", bản án nêu.

  


Tại phiên phúc thẩm, ông Sơn kháng cáo kêu oan hai tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 278, 280 Bộ luật Hình sự 1999).

HĐXX phúc thẩm nhận định, đây là nội dung được tranh luận gay gắt và chiếm nhiều thời gian nhất trong phiên tòa. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm có phạm tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay không là câu hỏi lớn nhất trong vụ án này. "Xác định ông Sơn có phạm tội không, nhất là tội tham ô tài sản?", bản án nêu. 

HĐXX phúc thẩm khẳng định ông Sơn đã nhận 246 tỷ đồng từ ông Thắm với mục đích “chăm sóc khách hàng” là PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), tức là chi cho nhà nước. Nếu bình thường số tiền này sẽ được nhập vào khối tài sản của PVN, nhưng ông Sơn đã chiếm đoạt số tiền này. Điều đó "đồng nghĩa với việc nhà nước đã mất đi số tài sản nói trên".

“Việc Nguyễn Xuân Sơn kháng cáo về hành vi này là không đúng”, HĐXX phúc thẩm nhận định.

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn được dẫn giải khỏi tòa sau khi tuyên án chiều 4/5. Ảnh: Phạm Dự.

Ông Nguyễn Xuân Sơn được dẫn giải khỏi tòa sau khi tuyên án chiều 4/5. Ảnh: Phạm Dự.

 

Cũng theo bản án, cựu tổng giám đốc Sơn "phạm tội gì" sẽ còn liên quan việc xác định tội danh cũng như vai trò của bị cáo Hà Văn Thắm. Bởi tòa cho rằng cựu chủ tịch Oceanbank là người trực tiếp, có quyền quyết định việc chi tiền cho ông Sơn. 

 

Đánh giá hành vi của bị cáo Sơn, HĐXX phúc thẩm khẳng định ông này không oan, "có chăng chỉ là tranh cãi phạm tội nào mà thôi". Ông Sơn nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Hà Văn Thắm trong năm 2009- 2014 để chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng. Trong quãng thời gian này không có lúc nào ông không có chức vụ quyền hạn. Nếu có tranh cãi về ông Sơn, theo Tòa Cấp cao "chỉ là chức vụ, quyền hạn gì, khi đó đang ở OceanBank hay PVN? Liên quan thế nào với tài sản bị chiếm đoạt".

Bản án nêu, tại toà, ông Sơn khai nhiều lần nhận tiền từ OceanBank. "Vì vậy chắc chắn không có ai khẳng định ông Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt tài sản. Có chăng cũng chỉ là tranh luận tài sản này có nguồn gốc từ đâu, thuộc cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào trực tiếp quản lý?", bản án nhận định.

 

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Phạm Dự

 

Đối với bị cáo Hà Văn Thắm, bản án phúc thẩm cho rằng nếu gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm đã bị án phạt 20 năm, chung thân, tử hình, nhưng khoản chiếm đoạt của ông Thắm lớn hơn "gấp trăm lần". Vì thế, tòa có áp dụng hết tình tiết giảm nhẹ cũng không thể giảm án, dù nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, nhiều thành tích, đóng góp nhiều vật chất cho xã hội.

 

Tuy nhiên, bản án cũng xét hành vi chỉ đạo chi lãi ngoài của bị cáo này thực hiện trong hoàn cảnh trường tài chính không ổn định. Nhiều ngân hàng cũng thực hiện hành vi tương tự. Bị cáo có nhân thân rất tốt, nhiều thành tích, thành khẩn khai báo.

Dù không giảm án cho ông Thắm song Tòa Cấp cao đề nghị các cơ quan chức năng khi tiếp nhận bản án cần xem xét giảm xuống tù có thời hạn cho bị cáo này. 

 

26 bị cáo nghe tòa tuyên án, ngồi hàng ghế đầu là bị cáo Thắm (áo xanh) và bị cáo Sơn.Ảnh: Phạm Dự

26 bị cáo nghe tòa tuyên án, ngồi hàng ghế đầu là bị cáo Thắm (áo xanh) và bị cáo Sơn.Ảnh: Phạm Dự

 

Nghi bỏ lọt tội phạm, tòa đề nghị khởi tố cựu phó tổng giám đốc Oceanbank

 

Trước  kháng cáo của các giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank, HĐXX xác định cấp sơ thẩm tuyên họ là đồng phạm giúp sức Hà Văn Thắm là có căn cứ.

Cấp phúc thẩm đồng tình với phán quyết cấp sơ thẩm cho rằng dù bộ luật mới không còn tội Cố ý làm trái song tội này lại cụ thể hóa bằng 9 tội mới. Như vậy, tòa cho rằng chưa có cơ sở cho rằng có sự thay đổi trong chính sách hình sự, làm cho hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, tòa không thể miễn trách nhiệm hình sự với các bị cáo như đề nghị của một số bị cáo, luật sư.

Một số bị cáo hoàn cảnh kinh tế éo le, không công ăn việc làm, gia đình ly tán nhưng đã được cấp sơ thẩm đánh giá khi lượng hình. HĐXX phúc thẩm vì thế không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của tất cả các bị cáo.

Về cựu phó tổng giám đốc Oceanbank Trần Thanh Quang, căn cứ vào các lời khai Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Thị Thu Ba tại cơ quan điều tra và tại tòa, HĐXX cho rằng họ đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Quang. 

Do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cấp phúc thẩm đề nghị Cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố với ông Quang.

 

Bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo Hà Văn Thắm. Ảnh: Phạm Dự

 

Cựu tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu được miễn bồi thường 50 tỷ đồng 

 

Theo cấp phúc thẩm, việc cấp sơ thẩm buộc bà Thu bồi hoàn 50 tỷ đồng là thiếu căn cứ. Ông Hà Văn Thắm phải bồi hoàn thay khoản này. Hơn nữa, ông Thắm tại tòa từng hứa khi thi hành xong phần trách nhiệm của mình nếu dư tiền sẽ thực hiện thay bà Thu. 

Các giám đốc các khối hội sở Oceanbank Đỗ Đại Khôi Trang, Vũ Thùy Dương, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Thu Ba, HĐXX đánh giá đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chỉ là người làm công hưởng lương thực hiện theo chỉ đạo cấp trên, không hưởng lợi. 

Trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa các bị cáo đã bổ sung tình tiết giảm nhẹ mới. Cấp phúc thẩm cho rằng án sơ thẩm đã đánh giá vai trò của các bị cáo là đúng, song vẫn cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của vụ án, cấp phúc thẩm không thể cho các bị cáo hưởng án treo. 

Các cổ đông Oceanbank có quyền khởi kiện đòi quyền lợi

Theo bản án, cấp sơ thẩm đã giảm trừ một số khoản bồi thường cho ông Thắm. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo nêu ra một số khoản khác và tòa nhận thấy điều này có căn cứ, song "chưa thể tính rõ được ở bản án này". Sau này khi điều tra, nhà chức trách sẽ trừ vào thời gian thi hành án.

Về kháng cáo của công ty VNT và Công ty Cổ phần tập đoàn Đại Dương cũng như 68 cá nhân cho rằng ông Sơn phải hoàn trả cho VNT, Đại Dương mỗi công ty 20%, đồng thời buộc các cá nhân nhận tiền bất hợp pháp hoàn trả cho hai công ty theo tỷ lệ 20%, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng nếu xác định tại vụ án này thì không đảm bảo quyền lợi các loại cổ đông của Oceanbank.

HĐXX xác nhận dành quyền khởi kiện cho các cổ đông trong vụ án khác.

 

Chủ tọa đọc bản án. Ảnh: Phạm Dự

Chủ tọa đọc bản án. Ảnh: Phạm Dự

 

Bản án sơ thẩm xác định cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm đã ra chủ trương, bàn bạc với cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn để chỉ đạo các thuộc cấp ở ngân hàng này chi lãi suất ngoài hợp đồng với khách hàng gửi tiền. Việc này diễn ra trong năm 2010-2014 với sự tham gia của hàng chục lãnh đạo khối hội sở, hàng trăm giám đốc, nhân viên chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank trên cả nước.

 

Hơn 300 tổ chức, cá nhân được các bị cáo khai chi lãi, tuy nhiên chỉ có 19 người, tập thể hồi đáp và vài người trong số này nhận có hưởng. Hành vi của ông Thắm, Sơn cùng hơn 40 người là thuộc cấp bị TAND Hà Nội tuyên phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). 

Trong số tiền chi lãi suất ngoài nói trên, cấp sơ thẩm cho rằng có 246 tỷ đồng do ông Sơn nhận từ Hà Văn Thắm để chi chăm sóc khách hàng lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nguồn tiền từ Oceanbank. Tuy nhiên, ông Sơn đã chiếm đoạt, bị cấp sơ thẩm tuyên phạm tội Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999). Ở tội danh này, ông Sơn phải nhận mức án tử hình, ông Thắm tù chung thân.

Các ông, bà Thắm, Sơn, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Thu, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn còn bị TAND Hà Nội kết tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 179, 280 Bộ luật Hình sự 1999).

Trong 15 ngày sau phán quyết này, 31/51 bị cáo đã chống án. Trong ngày khai mạc phiên phúc thẩm (18/4), 5 bị cáo là các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch rút yêu cầu kháng cáo.

Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về án tử hình

1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người đủ 75 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh