CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:01

Tòa án bác yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương

Thu hồi chế độ ưu đãi NCC đúng quy định pháp luật

Ngày 20/9/2017, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án hành chính "Khởi kiện quyết định về việc trợ cấp, phụ cấp đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; quyết định đình chỉ và thu hồi trợ cấp ưu đãi đối với người có công” giữa ông Đỗ Viết Vinh đối với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương.

Tại phiên tòa, bà Đàm Thị Minh Thu, Phó chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH uỷ quyền (theo Giấy quỷ quyền ngày 18/9/2017) là người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đại diện cho Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: Ông Đỗ Viết Vinh cư trú tại xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xác lập hồ sơ thương binh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của Bộ LĐ-TB&XH-Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh trên cơ sở Giấy chứng nhận bị thương số 26/BVSĐ ngày 10/03/1972 của Sư đoàn 320 ghi cấp cho ông Đỗ Viết Vinh, tuy nhiên, kết quả giám định kỹ thuật hình sự giấy chứng nhận bị thương này là giả mạo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã kiến nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp thương binh đối với ông Vinh là đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa, đại diện các đơn vị Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đều có chung quan điểm với đại diện Bộ LĐ-TB&XH và khẳng định việc đình chỉ chế độ trợ cấp thương binh đối với ông Vinh là đúng quy định pháp luật

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương khẳng định: Quyết định số 197/QĐ-SLĐTB&XH ngày 22/02/2017 của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương về việc tạm ngưng chi trả trợ cấp hàng tháng đối với thương binh và Quyết định số 1205/QĐ-SLĐTBXH ngày 21/4/2017 của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương về việc đình chỉ và thu hồi chế độ ưu đãi đối với người có công là đúng quy định pháp luật. Do vậy,  đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã đề nghị HĐXX bác đơn khởi kiện của ông Đỗ Viết Vinh.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm soát viên, các quy định của pháp luật, HĐXX sơ thẩm vụ án hành chính quyết định:  Bác yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Viết Vinh đối với yêu cầu hủy Quyết định số 197/QĐ-SLĐTBXH ngày 22/02/2017 của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương về việc tạm ngừng chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh và Quyết định số 1205/QĐ-Sở LĐTB&XH ngày 21/4/2017 của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương về việc đình chỉ và thu hồi chế độ ưu đãi đối với người có công.

 

Giả mạo giấy chứng nhận bị thương

Theo Hồ sơ vụ án, ngày 20/5/1971, ông Đỗ Viết Vinh nhập ngũ và được điều động vào chiến trường miền Nam. Đến tháng 9/1971, ông Vinh đến địa phận tỉnh Quảng Trị, tập kết tại huyện Gio Linh, Cam Lộ; địa bàn chiến đấu thuộc huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Cửa Việt. Ngày 15/02/1972, khi đang chiến đấu tại Cửa Việt thì ông Vinh bị thương; cấp bậc khi bị thương là hạ sĩ, chức vụ tiểu đội trưởng trinh sát Sư đoàn, đơn vị D17-F320B (nay là Sư đoàn 390) theo Giấy chứng nhận bị thương số 26/BVSĐ ngày 10/3/1972 của Sư đoàn 320 do Thượng tá Nguyễn Đức Huy ký. Sau 1 tháng điều trị, ông Vinh tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày ký Hiệp định Paris năm 1973.  Ông  Vinh được điều động công tác đi quy tập mộ liệt sĩ ở các địa bàn: Ái Tử, Đông Hà và Triệu Phong

Sau năm 1978, ông Vinh được điều động ra miền Bắc và phục viên theo Quyết định phục viên số 176/QĐ của Sư đoàn 320 ngày 10/02/1978 do Đại tá Ngô Văn Cửu ký. Khi phục viên đơn vị đã giao hồ sơ cho ông Vinh về huyện để được trợ cấp gạo hàng tháng.

Toàn bộ hồ sơ bản chính về chế độ ưu đãi người cho ông Vinh được Phòng Chính sách-Cục Chính trị Quân khu 7 chuyển cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương để hoàn tất thủ tục trợ cấp, phụ cấp chế độ đối với NCC. Ngày 01/8/2011, ông Vinh chính thức được nhận trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho đến khi Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 197/QĐ-SLĐTBXH ngày 22/02/2017 về việc tạm ngừng chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và Quyết định số 1205/QĐ-Sở LĐTB&XH ngày 21/4/2017 của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương về việc đình chỉ và thu hồi chế độ ưu đãi đối với người có công.

Tại tòa, đại diện hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Bộ LĐ-TB&XH là bà Đàm Thị Minh Thu-Phó chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH trình bày:

Hồ sơ thương binh của ông Đỗ Viết Vinh được xác lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của Bộ LĐ-TB&XH- Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh trên cơ sở giấy chứng nhận bị thương số 26/BVSĐ ngày 10/03/1972 của Sư đoàn 320 ghi cấp cho ông Đỗ Viết Vinh nhưng có nghi vấn là giả mạo. Do vậy, tại điểm 1.7 khoản 1 Mục IV Kết luận thanh tra số 670 KL-LĐTBXH ngày 07/03/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc xác lập hồ sơ thương binh tại Quân khu 7 đã kiến nghị trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự để khẳng định tính pháp lý của Giấy chứng nhận bị thương số 26/BVSĐ nêu trên.

Ngày 15/11/2016, Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng ban hành Thông báo kết quả giám định số 156/GĐKTHS-P11 xác định Giấy chứng nhận bị thương số 26/BVSĐ ngày 10/3/1972 cấp cho ông Đỗ Viết Vinh là giả mạo.

Đáng lưu ý, tại Công văn số 153/SĐ-PCT ngày 15/9/2017 của Sư đoàn 320 (thuộc Quân đoàn 3) về việc xác minh hồ sơ thương binh đối với ông Đỗ Viết Vinh xác nhận “Qua kiểm tra danh sách quân nhân bị thương đang được lưu trữ tại Phòng Chính trị không tìm thấy tên ông Đỗ Viết Vinh sinh năm 1953, quê quán xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; nhập ngũ: Tháng 5 năm 1971; Đơn vị d 17,f320; ngày bị thương: 15/02/1972. Năm 1972, Sư đoàn 320 không có thủ trưởng đơn vị là thượng tá Đỗ Đức Huy."

Trong khi đó, Công văn số 345/SĐ-CS ngày 18/9/2017 của Sư đoàn 390 (thuộc Quân đoàn 1) về việc kiểm tra, xác minh hồ sơ thương binh của ông Đỗ Viết Vinh cũng xác nhận: Ông Đỗ Viết Vinh không có tên trong danh sách quân nhân bị thương đang lưu trữ tại đơn vị; Thời điểm tháng 3/1972, thủ trưởng Sư đoàn 320 b (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) không có ai tên là Nguyễn Đức Huy.

Căn cứ vào kết quả giám định kỹ thuật hình sự, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 1010/LĐTBXH-TTr ngày 20/2/2017 về việc kiến nghị các biện pháp tiếp theo Kết luận thanh tra số 670/KL-LĐTBXH ngày 07/3/2016 về việc xác lập Hồ sơ thương binh tại Quân khu 7, kiến nghị Tư lệnh Quân khu 7 thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương ban hành quyết định đình chỉ chế độ thương binh đối với ông Đỗ Viết Vinh và ngày 21/4/2017 Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 1205/QĐ-SLĐTBXH về việc đình chỉ và thu hồi chế độ ưu đãi người có công là đúng quy định pháp luật.

VĂN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh